Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
HTX làm xúc xích, lạp xưởng… từ thịt thỏ, thu 3 tỷ đồng/năm
Được thành lập năm 2022 với 30 xã viên, đến nay Hợp tác xã (HTX) thỏ sạch An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã có 45 thành viên, gồm cả thành viên liên kết và thành viên chính thức.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc HTX thỏ sạch An Nhơn Tây cho biết, HTX đang hướng đến quy trình chăn nuôi thỏ sạch, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất. Chất thải trong quá trình chăn nuôi được xử lý tuần hoàn, không phát sinh mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.
“Mô hình chăn nuôi thỏ rất linh động, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn đều làm được. Nó có thể giải quyết việc làm cho những người lớn tuổi, người có sức khỏe yếu. Mong muốn của HTX là giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Mô hình chăn nuôi này mình tái sử dụng những phế phụ phẩm, không ảnh hưởng đến môi trường. Bản thân đánh giá đây là mô hình tốt, để bà con nông dân tại địa phương phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Hùng cho biết.
Hiện nay, ngoài cung cấp thỏ sống ra thị trường, HTX thỏ sạch An Nhơn Tây còn có các sản phẩm chế biến từ thỏ như: thỏ ủ thảo mộc, xúc xích thỏ, lạp xưởng thỏ, chà bông thỏ… Đây là giải pháp của HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giúp giải quyết đầu ra hiệu quả. Trong năm 2023, doanh thu của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng.
“Lợi thế của HTX là mô hình kinh tế cộng đồng, dùng sức mạnh của tập thể, mọi người cùng chăn nuôi theo một quy trình thống nhất, do đó mình có sản lượng lớn và đồng đều. Từ đó đưa ra thị trường mới ký kết được với những đối tác lớn. Với mô hình HTX, sẽ giúp tối ưu được quy trình chăn nuôi, chi phí sản xuất và đầu ra được ổn định”, ông Hùng chia sẻ.
Giám đốc HTX thỏ sạch An Nhơn Tây mong muốn, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, sạch để phục vụ cho người tiêu dùng. Đồng thời, mong thành phố có chính sách thiết thực để hỗ trợ HTX xây dựng nguồn lực, cải tiến quy trình chăn nuôi. Bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại giúp mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, giúp phát triển quy mô HTX ngày càng lớn, đem lại thu nhập cho bà con chăn nuôi.
Theo ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, huyện đang định khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng xanh, tuần hoàn và giảm ô nhiễm môi trường. Trong đó tập trung giảm đàn bò, đàn heo và phát triển chăn nuôi những con có giá trị kinh tế cao.
HTX làm xúc xích, lạp xưởng… từ thịt thỏ giúp đa dạng đầu ra. Ảnh: Q.D
Về lĩnh vực kinh tế tập thể, ông Đức cho biết: “Chúng tôi có 45 HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện, giúp tạo đầu ra cho sản phẩm và tạo công ăn việc làm cho xã viên. HTX, tổ hợp tác là cầu nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Huyện Củ Chi quyết tâm ủng hộ, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong đó nòng cốt là HTX và tổ hợp tác”.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 172 HTX nông nghiệp. Cụ thể có 105 HTX đang hoạt động, 5 HTX không còn hoạt động, 62 HTX ngừng hoạt động và dự kiến giải thể. Tổng số thành viên của 105 HTX đang hoạt động là 2.299 thành viên, bình quân 22 thành viên/HTX.