Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Hương vị ẩm thực Á Đông tại phố cổ Hội An
Money Control nhận định, không giống như những thành phố lớn sôi động của Việt Nam, phố cổ Hội An, nơi từng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, vẫn lưu giữ những nét truyền thống lâu đời của nền văn hóa Á Đông.
Từng là một thương cảng sầm uất của Việt Nam, qua thời gian, Hội An vẫn giữ được nguyên những nét cổ kính lâu đời với giá trị truyền thống văn hóa và nghệ thuật thể hiện qua các lớp học nấu những món ăn địa phương truyền thống, nơi du khách có thể tìm hiểu về lịch sử - văn hóa của thị trấn, cũng như của những món ăn này. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tìm thấy những cửa hàng bán hoặc may đo, thiết kế trang phục truyền thống với giá cả phải chăng. Và cũng không khó để du khách có thể bắt gặp những chiếc đèn lồng rực rỡ được trang trí khắp nơi tại đây, đó là biểu tượng không thể thiếu của Hội An xinh đẹp.
Điều quan trọng nhất khi đến phố Hội chính là nhất định phải thưởng thức sự tinh tế của ẩm thực địa phương thông qua những món ăn thanh đạm mà vô cùng ngon miệng:
Bánh tráng cuốn
Vỏ bánh tráng thường được làm từ bột gạo đem tráng thật mỏng, nhân bên trong là bún hoặc phở, rau xà lách, rau gia vị, các loại thịt heo, thịt bò, tôm, giò lụa tùy theo sở thích. Món ăn sẽ chấm kèm với nước mắm chua ngọt thanh thanh, thích hợp để làm món ăn chơi hoặc được dùng trong bữa chính cùng với các món ăn khác.
Bánh xèo
Không giống như loại bánh xèo truyền thống được tráng với kích cỡ lớn, bánh xèo Hội An được chiên với đường kính nhỏ hơn và rất giòn. Món ăn này bên cạnh nhân mặn có thịt băm và tôm, thực khách cũng có thể chọn bánh chay có giá đỗ, nấm. Nước chấm của bánh xèo cũng có vị ngọt, chua, cay vừa đủ từ đường, tỏi ớt, nước cốt chanh… Bánh xèo là món ăn tuy đơn giản nhưng mang đến hương vị thực sự hấp dẫn.
Bánh mì
Bánh mì là một món ăn cực kỳ nổi tiếng của Việt Nam, góp phần tạo nên thương hiệu riêng của ẩm thực quốc gia trên trường quốc tế. Bánh mì ở Hội An cũng không ngoại lệ, tuy nhiên cũng mang đến hương vị khác biệt so với các vùng, miền khác. Điều làm nên tên tuổi của bánh mì Hội An có lẽ là sự kết hợp hoàn hảo mà giữa các loại nguyên liệu, nước sốt đặc biệt với bí quyết riêng, cùng với vỏ bánh nướng nóng hổi giòn rụm bắt mắt đem đến sự mới mẻ, hấp dẫn cho món ăn. Nhân của bánh mì cũng rất đa dạng như thịt nướng/quay, chả, trứng, pate…
Cà ri Việt Nam
Mỗi khu vực châu Á đều có một phiên bản cà ri riêng biệt, món cà ri của Việt Nam cũng vậy. Món ăn này cũng sử dụng nước cốt dừa nhưng loãng hơn và thoang thoảng nhẹ nhàng để làm nổi bật lên hương vị đậm đà của các loại nguyên liệu khác. Cà ri Việt Nam được chế biến theo nhiều cách khác nhau với nhiều loại thịt nhưng vẫn có nước xốt đặc trưng từ màu vàng của nghệ. Món ăn thường được dùng kèm với bánh mì hoặc cơm.
Lá chuối đựng thức ăn
Sử dụng lá chuối để bọc thức ăn là một trong những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống đã đi vào đời sống thường ngày của người Việt. Không chỉ vậy, đựng thức ăn bằng lá chuối sẽ giúp cho món ăn có mùi thơm và hương vị đặc trưng rất riêng từ thiên nhiên. Tại Hội An, thực khách có thể nhìn thấy phần lớn các món ăn như thịt nướng, cơm được phục vụ trong những chiếc lá chuối.
Các món nước
Giống như ẩm thực truyền thống của Đông Nam Á, người dân Hội An cũng sáng tạo trong việc sử dụng các loại trái cây, các loại rau, hay mì để tạo hương vị cho những món nước. Từ khoai tây đến súp lơ, nấm cũng như mì, các món nước của Hội An đều được kết hợp hoàn hảo với nhau. Điển hình nhất là món cao lầu với nước dùng đậm đà từ xương hòa quyện với sợi mì dai dày, cùng các loại nguyên liệu ăn kèm tạo nên hương vị rất riêng cho vùng đất xứ Quảng. Các loại nhân vô cùng phong phú như tôm, thịt heo, thịt xá xíu, ram, các loại rau như giá đỗ, xà lách, rau thơm…