Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
IMF nói gì về dự báo mới cho kinh tế Việt Nam?
Trong dự báo mới nhất tối 26/6, IMF cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu quốc tế mạnh, đầu tư nước ngoài ổn định và các chính sách điều tiết.
Trong dự báo tháng 4 vừa qua, tổ chức quốc tế này dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.
Tàu container quốc tế đang làm hàng tại cảng Gemalink trong cụm Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. IMF dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 có thể không bùng nổ.
Như vậy, cập nhật mới của IMF đã điều chỉnh dự báo từ 5,5% lên gần 6%. Tổ chức này cho biết đoàn công tác của IMF do ông Paulo Medas dẫn đầu đã tiến hành đợt tham vấn tại Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 26/6. Đoàn đã trao đổi quan điểm với Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, các quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Quốc hội và các cơ quan Chính phủ khác. Đoàn cũng đã gặp đại diện của khu vực tư nhân, các cơ quan nghiên cứu chính sách, các học giả và các đối tác khác.
Kết thúc chuyến làm việc, ông Medas nhận định: "Tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024 được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng hỗ trợ. Dự kiến tăng trưởng cầu trong nước vẫn còn yếu do các doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4-4,5% của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay".
IMF cho rằng xuất khẩu, động lực chính của kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.
Theo IMF, những vấn đề của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng.
Với chính sách tiền tệ nới lỏng, áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn sẽ tác động tới lạm phát trong nước.
Chính sách tài khóa, theo ông Medas, đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 trong bối cảnh lương khu vực công dự kiến tăng mạnh và những nỗ lực không ngừng nhằm đẩy mạnh đầu tư công. Tăng cường quản lý tài khóa sẽ giúp đối mặt với những thách thức phía trước. Việc này bao gồm cải thiện các cấu phần và chất lượng chi tiêu công và dịch vụ công, củng cố lập dự toán ngân sách để phản ánh tốt hơn những tác động của già hóa dân số và biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn và cải thiện lưới an sinh xã hội.
Cũng theo IMF, tăng năng suất, đầu tư nhiều hơn vào nguồn vốn con người và vốn vật chất, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo có ý nghĩa then chốt đối với Việt Nam.