Khi “nhà chùa” lạc lối

25/03/2019 13:59 GMT+7

Là một người Á đông, khó ai trong đầu thoát khỏi ý nghĩ âm - dương, đức tin vào thần, phật hay đấng siêu nhiên nào đó. Tin để con người luôn răn mình sống có trước có sau, nhân văn hơn, tử tế hơn, từ bi hơn, theo quy luật nhân quả. Đó là niềm tin được đúc kết từ truyền thống của dân tộc.

Nhưng những ngày qua, bằng sự điều tra của báo chí, sự việc chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh thu tiền giải vong của các phật tử với số tiền nhiều tỉ đồng đã bị phát giác. Rồi nhà chùa lại “chữa cháy” bằng cách để phật tử nói tốt cho mình, “răn đe” báo chí. Đúng là một sự lạc lối đến hỗn độn, khi tất cả đã để đồng tiền chi phối và điều khiển. Và càng nguy hiểm hơn khi sự tham lam tiền bạc đó được dẫn dụ trong thế giới tâm linh, làm cho con người mê tín đến mức mụ mẫm cả nhân cách và thể xác của mình.

Trước hết có thể khẳng định việc nộp tiền vào nhà chùa để giải vong, giải nghiệp chướng kiếp trước mình gây ra bằng các hình thức nộp tiền trả góp, nộp qua tài khoản là một sự bịa tạc của những kẻ đang lợi dụng thế giới tâm linh để lừa đảo các nạn nhân là những người đang bị khủng hoảng niềm tin. Một hình thức lừa đảo không mới, nhưng luôn luôn hiệu quả, của những kẻ lợi dụng chiếc áo tu hành, lợi dụng tâm lí đám đông và vùng ý thức lo lắng trong não trạng của mỗi con người.

Về bản thể, chùa là chốn tâm linh thờ phật, nhưng lại để cho sự tham lam lấn chiếm, để cho các đệ tử được diễn trò ngay trong chùa, thì vừa tham lại vừa sai đến mức cả xã hội, các cơ quan quản lí nhà nước và hệ thống luật pháp cũng như tục lệ trong dân gian cần phải đấu tranh, lên án và loại bỏ.

Bất cứ ai có một đức tin chân chính đều có đủ nhận thức để đánh giá rằng những buổi thuyết pháp của bà Phạm Thị Yến - một trong những đệ tử của chùa Ba Vàng - là nhảm nhí, không có cơ sở khoa học. Những câu chuyện tưởng tượng với tính chất hù dọa đã được gieo rắc vào đầu người nghe, để họ khiếp sợ, để họ móc tiền ra nộp mong được giải vong, giải nghiệp. Số tiền đó họ đã phải tiết kiệm, phải tích cóp, hay phải đi vay mượn, có khi có cả tiền bất chính, để mong nhà chùa đứng ra xin với hồn ma, bóng quỷ hòng trả nghiệp.



Bà Phạm Thị Yến trong một buổi giải nghiệp ở chùa Ba Vàng. Ảnh: T.L

Tấm áo tu hành đã bị lợi dụng ngay trên đất của nhà chùa. Tất cả những việc diễn ra ở chùa Ba Vàng núp bóng dưới hoạt động khấn vong bị một số kẻ lợi dụng thu tiền một cách vô tội vạ, đều đi ngược lại những giáo lí tốt đẹp của nhà Phật, vì Phật luôn dạy con người ta sống từ bi hỉ xả, chứ không dạy con người ta tham sân si, hay lấy đồng tiền ra để làm cầu nối đến cõi của ngài cả.

Việc không ít người đi lạc vào những niềm tin mù quáng, bị những kẻ lợi dụng tôn giáo dẫn dụ, moi tiền… cũng đặt ra câu hỏi rất lớn về trách nhiệm của những người đang làm công tác giáo dục và quản lý xã hội hiện nay.

Vậy chúng ta phải làm gì để khỏi bị lợi dụng, lôi kéo vào những hoạt động hao tiền tốn của những kẻ tà tu  này? Hãy cứ học ông cha, “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Hãy nhớ chân lý vô cùng đơn giản “tà bất thắng chính”. Hãy sống một cách tử tế và nhân văn, tuân thủ pháp luật. Có như vậy chúng ta mới đủ tỉnh táo mà tiếp nhận tư tưởng từ bi hỉ xả của nhà Phật. Quan trọng hơn nữa là không để cho những kẻ tà tu lợi dụng những ngôi chùa làm sân khấu lừa lọc, dẫn dụ mình.

Mỗi cá nhân tốt đẹp chịu khó làm việc thiện thì xã hội sẽ tốt đẹp lên. Và những ngôi chùa lạc lối sẽ hoang phế khi người dân đã không coi là một nơi thờ phụng, gửi gắm niềm tin công bằng và thuần khiết. Khi nhân dân đã biết cảnh giác thì những ngôi chùa không được xây dựng bằng sự thiện tâm, mà được điều hành bởi những kẻ tà tu kiếm tiền không từ một thủ đoạn nào, tiếp tay cho lừa đảo, dù nguy nga, to rộng đến mấy cũng sẽ vắng lặng và hoang phế mà thôi.

Gia Tưởng