Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Không xanh sẽ thua
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (Hội nghị COP26), Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam đã khẩn trương thực hiện mục tiêu này.
Tiêu biểu nhất trong kinh tế vĩ mô là chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất. Việt Nam cũng đã bắt tay vào thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Chính nhờ cam kết Net zero của Việt Nam, tập đoàn đồ chơi Lego chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn, chọn Khu công nghiệp VSIP 3 tại Bình Dương làm nơi xây dựng. VSIP Group – liên doanh giữa tập đoàn Becamex IDC của Bình Dương và Sembcorp của Singapore – cũng cam kết cung cấp năng lượng tái tạo cho nhà máy từ nguồn điện mặt trời tại chỗ để đáp ứng yêu cầu Net zero của Lego.
Ngoài ra, VSIP Group và Lego đang trồng 50.000 cây xanh để bù đắp cho khoảng 25.000 cây bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy mới.
Đây là ví dụ cho thấy theo đuổi sản xuất xanh sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thông tin tại diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam 2023" với chủ đề "Hướng tới tăng trưởng xanh", do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại TP.HCM ngày 16/11, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tính từ năm 1991, khi khu công nghiệp đầu tiên được thành lập tại TP.HCM là khu chế xuất Tân Thuận, đến hết tháng 10/2023, cả nước đã thành lập 413 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120.000 ha.
Trong đó có 295 khu công nghiệp đã đi vào hoạt độn, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 92 nghìn ha.
Bà Hiếu khẳng định trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt, đối với các mô hình khu công nghiệp mới như khu công nghiệp sinh thái.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc công ty KPMG Việt Nam, cho biết xu thế mạnh mẽ hiện nay của thế giới là phát triển các khu công nghiệp sinh thái trong đó có đô thị dịch vụ; công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc. Ông nhấn mạnh mô hình khu công nghiệp xanh và thông minh là bắt buộc.
Hành động để xanh hơn
Cùng ngày 16/11 tại Hà Nội, phát biểu tại hội thảo phát triển bền vững lần thứ 3, do Báo Đầu tư tổ chức, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập của báo này, nhấn mạnh: "Đã đến lúc chúng ta phải hành động vì một hành tinh xanh hơn, vì một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau".
Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao công ty Nestlé Việt Nam, nói tại sự kiện: "Nhưng doanh nghiệp không thể đi một mình trên con đường phát triển bền vững; thay vào đó, tất cả các bên cùng phải đồng hành với nhau, từ nhà làm chính sách, nhà quản lý, nhà sản xuất, phân phối…cho tới nông dân và cuối cùng là người tiêu dùng".
Bà Thương cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, và đây cũng là mục tiêu của Nestlé. Tại Việt Nam, doanh nghiệp đồng hành với 21.000 hộ nông dân trong quá trình tái canh hơn 63,5 triệu cây cà phê tại Tây Nguyên. Không chỉ cung cấp tài chính hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống cây, Nestlé cũng hướng dẫn họ các biến pháp canh tác bền vững và tiến hành thử nghiệm kiểm đếm lượng CO2 thải ra trong quá trình canh tác.
Tương tự, bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc chiến lược về phát triển bền vững của CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, nhấn mạnh: ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) không còn là lựa chọn, mà đã trở thành xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp để phát triển xanh và bền vững.
Ông Wong Wai Foo, Giám đốc Bộ phận Tái tạo đô thị bền vững của Tập đoàn Keppel Singapore tại Việt Nam, cho biết Keppel này đang triển khai công nghệ tái tạo đô thị bền vững (SUR - sustainable urban renewal) tại các dự án của Keppel ở các thị trường mà tập đoàn đang hoạt động, gồm Việt Nam.
Ngành lúa gạo cũng là lĩnh vực được quan tâm trong sản xuất bền vững. Tháng 9/2022, Ngân hàng Thế giới xuất bản nghiên cứu "Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp," gợi ý rằng Việt Nam có thể chuyển đổi ngành lúa gạo bằng việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng sản lượng, tăng cường khả năng chống chịu và đa dạng hóa sản xuất.
Theo nghiên cứu này, việc chuyển sang trồng lúa theo mô hình carbon thấp sẽ có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết dựa trên những ước tính thận trọng, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu có thể giúp nông dân quy trì hoặc tăng sản lượng lúa gạo từ 5 -10%, giảm chi phí đầu vào từ 20-30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng ở mức khoảng 25%.
"Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này cũng sẽ giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 30%", Ngân hàng Thế giới cho biết.
Những cách tiếp cận như vậy đã được thí điểm thành công trên hơn 184.000 ha lúa canh tác trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.