Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Khủng hoảng của Bud Light chưa buông tha "Vua bia"
Cụ thể, báo New York Post (Mỹ) hôm nay cho biết AB InBev có thể đã mất tới 1,4 tỷ USD doanh thu do phản ứng dữ dội của người tiêu dùng đối với mối quan hệ hợp tác ngắn ngủi của tập đoàn này với một người có ảnh hưởng là người chuyển giới để quảng cáo bia Bud Light.
Bud Light bị tẩy chay là nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh năm 2023 của AB InBev không khả quan. Ảnh: New York Post
AB InBev toàn cầu báo cáo doanh số cao trong năm 2023 ngày hôm qua nhưng cho biết "tiềm năng tăng trưởng toàn diện của họ đã bị hạn chế" bởi hoạt động kinh doanh tại Mỹ, nơi doanh số bán hàng bị ảnh hưởng do đợt tẩy chay Bud Light vì một bài đăng trên Instagram hợp tác với người chuyển giới mang tên Dylan Mulvaney.
Tại thị trường Bắc Mỹ, "doanh số sạch" (organic revenue) năm 2023 của tập đoàn bị giảm 1,4 tỷ USD vào do tiêu thụ giảm, mà chủ yếu do doanh số bán bia Bud Light ở Mỹ sụt giảm. "Organic revenue" gồm tất cả doanh thu từ bán sản phẩm và dịch vụ, không bao gồm các nguồn doanh thu khác như đầu tư và kinh doanh tài chính, cho thuê tài sản..
Khu vực Bắc Mỹ gồm các thị trường như Canada, Mỹ và Mexico. Trong đó, Mỹ là thị trường đông dân nhất với hơn 341 triệu người năm 2024.
Là công ty thuộc AB InBev, bia Budweiser bắt đầu hợp tác với Mulvaney vào tháng 4/2024. Chiến dịch này gây ra phản ứng chống người chuyển giới, và người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay bia Bud Light. Khủng hoảng này giúp hãng bia Modelo Especial của Mexico soán ngôi Bud Light vào tháng 5/2023 để trở thành loại bia bán chạy nhất nước Mỹ.
Theo New York Post, ông Michel Doukeris, CEO tập đoàn AB InBev, nói với các nhà đầu tư ngày 29/2 rằng từ tháng 5/2023 đến tháng 2 này, Bud Light chỉ phục hồi được 1,2 điểm phần trăm thị phần đã mất.
Tuy nhiên, giới phân tích thị trường không ấn tượng với sự phục hồi được "ông trùm" bia tiết lộ. Aarin Chiekrie, nhà phân tích vốn cổ phần tại nền tảng đầu tư trực tuyến Hargreaves Lansdown, nhận định: "Tại Mỹ, tình hình kinh doanh của họ vẫn rất kém do doanh thu giảm ở mức hai con số".
Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm của AB InBev theo ước tính mới chỉ chiếm được khoảng 1% thị phần. Đó là do kênh phân phối của "đại gia" này tại Việt Nam chỉ tập trung vào kênh Off-trade (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) để khách mua về và sử dụng tại nhà. Điều này khác với thói quen sử dụng của người Việt: kênh On-trade (quán nhậu, nhà hàng…) để uống với bạn bè và đối tác tại bàn.
Ngoài ra, nếu muốn mua về nhà, khách hàng vẫn có thể dễ dàng tìm thấy các thương hiệu khác chứ không chỉ của AB InBev. Nghĩa là các thương hiệu khác khai thác cả On-trade lẫn Off-trade.