Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Kinh tế Việt Nam góp phần tăng sức hút của ASEAN
Trong bài phân tích mới nhất, bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối Ngân hàng Thương mại khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á - Thái Bình Dương và ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam đánh giá quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc.
Điểm mạnh của Việt Nam
Hai đồng tác giả đồng thời nêu bật những tác động đến Việt Nam với tư cách là thành viên của ASEAN và cũng là đối tác thương mại của Trung Quốc. ASEAN thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu nhờ cơ hội tăng trưởng và nhóm doanh nghiệp này đang đi trước các doanh nghiệp khác trên thế giới trong tiếp xúc với khu vực Đông Nam Á.
Một khảo sát với 3.500 doanh nghiệp toàn cầu do HSBC thực hiện năm 2023 cho thấy lực lượng lao động lành nghề, nền kinh tế số đang phát triển, mức lương cạnh tranh và thị trường khu vực có quy mô tương đối lớn chính là những điểm hấp dẫn của ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Trong khảo sát này, 28% doanh nghiệp cho biết sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam là yếu tố tiên quyết thu hút doanh nghiệp quốc tế. Việt Nam được biết là nền kinh tế có GDP tăng trưởng mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN với tốc độ 6,5% (trung bình).
ASEAN đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và chính Đông Nam Á mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng đa dạng cho doanh nghiệp Trung Quốc, nhờ vào các yếu tố nền tảng kinh tế vững chắc, năng lực sản xuất ngày càng tinh vi, hiệu quả trong chuỗi cung ứng và logistics, tương đồng văn hóa và tầng lớp trung lưu đang phát triển.
Logistics là một trong những thế mạnh của kinh tế biển Việt Nam. Trong ảnh: Cảng quốc tế CMIT ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Hai chuyên gia của HSBC nhấn mạnh: Đối với Việt Nam, Trung Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại với kim ngạch song phương vượt mốc 106 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, dệt may và máy móc. Trong vòng 10 năm kể từ 2014, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 20 hành lang thương mại hàng đầu thế giới. Những thỏa thuận tầm cỡ khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đồng nghĩa các liên kết kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục chặt chẽ hơn, chú trọng hơn vào lĩnh vực số hóa.
Theo báo cáo về kinh tế điện tử của Đông Nam Á (e-Conomy SEA) năm 2023, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20%. Xét về tổng giá trị giao dịch, Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia.
Sự tăng trưởng kỳ vọng sẽ đạt được nhờ hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, được hậu thuẫn bởi tập người tiêu dùng đang gia tăng và sẵn sàng trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, lớn hơn cả Đức, Vương quốc Anh và Thái Lan.
ASEAN, gồm Việt Nam, hấp dẫn đến đâu?
Theo phân tích mới nhất của hai chuyên gia HSBC, cho rằng ASEAN đã vượt qua Trung Quốc để trở thành địa chỉ lớn về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong trong lĩnh vực sản xuất. Ngay cả Trung Quốc cũng tập trung nguồn vốn đầu tư nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á. Những chỉ dấu mới này cũng đã có tác động tới Việt Nam với tư cách là thành viên của ASEAN và cũng là đối tác thương mại của Trung Quốc.
fDi Markets, một nền tảng theo dõi FDI thế giới, mới đây đã đưa ra dữ liệu cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất đổ vào ASEAN hiện tại đã nhiều hơn vào Trung Quốc, trong bối cảnh những căng thẳng về địa chính trị thúc đẩy các doanh nghiệp quốc tế đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Tuy nhiên, chuyên gia của HSBC cho rằng kết luận này còn khuyết 2 dữ kiện, chưa phản ánh được bao quát tình hình thực tế. Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đồng tâm hiệp lực trong thương mại và đầu tư.
Điều này thể hiện qua việc chính các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc cũng đang mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Dữ liệu của fDi Markets cũng cho thấy 1/3 FDI sản xuất năm ngoái của khu vực này đến từ Trung Quốc, nhiều hơn gấp ba lần so với đầu tư từ Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Chỉ riêng tại Việt Nam, các công ty sản xuất hàng đầu Trung Quốc đã tăng cường đầu tư trong năm 2023, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới đến từ Trung Quốc, chiếm thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm nhưng Trung Quốc cũng đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng. Thực tế, 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đại lục đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong vòng 10 năm kể từ 2014, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 20 hành lang thương mại hàng đầu thế giới, theo phân tích của hai đồng tác giả trên. Những thỏa thuận tầm cỡ khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đồng nghĩa các liên kết kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục chặt chẽ hơn, chú trọng hơn vào lĩnh vực số hóa.