Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Kinh tế Việt Nam - Những gam màu sáng năm 2024
Nhìn theo ba ngành sản xuất, nông nghiệp đã có sự gia tăng ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng 3,83% cao hơn đáng kể so với mức 2,88% năm 2022. Đây là một mức rất cao trong bối cảnh hiện tại và cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay. Ngành công nghiệp chỉ tăng 3,02%. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023.
Bức tranh năm 2023
Tuy nhiên, điểm tích cực là tốc độ đều tăng qua các quý. Cụ thể, Quý I giảm 0,34%, Quý II tăng 1,95%, Quý III tăng 5,16% và Quý IV tăng 7,35%. Đây là một tín hiệu tích cực cho năm 2024. Ngành dịch vụ tăng 6,82%, thấp hơn đáng kể con số 10,11% của năm 2022 do tiêu dùng trong nước và khó khăn của ngành bất động sản như được phân tích ở phần sau. Dịch vụ còn tiềm năng tăng nhưng sẽ không quá cao.
Trong năm 2023, sức mua của nền kinh tế yếu do tình hình chung không tích cực cộng với những khó khăn của ngành bất động sản. Những nhân tố này tác động rất nhiều đến tâm lý chung. Hoạt động vui chơi giải trí và chi tiêu trong những dịp lễ tết cho thấy rất rõ điều này. Không khí kém hồ hởi hơn so với những năm kinh tế tích cực. Chi ngân sách cho các hoạt động thường xuyên của Nhà nước chỉ ở mức bình thường và không có những đột biến.
Tổng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế chỉ tăng 6,2% so với năm trước. Nếu trừ yếu tố trượt giá (CPI của cả năm là 3,25%) thì tăng đầu tư thực năm 2023 của Việt Nam là rất khiêm tốn.
Chi đầu tư công là điểm sáng hay điểm tích cực nhất của năm 2023. Tổng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước tăng 21,2% so với năm 2022. Điều này cho thấy chính sách nghịch chu kỳ (tăng cường vai trò và chi tiêu của Nhà nước trong thời điểm kinh tế khó khăn) đã được triển khai ở Việt Nam.
Trái với đầu tư công, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước năm 2023 là không tích cực. Mức tăng của khu vực tư nhân trong nước chỉ là 2,7%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì đầu tư này không tăng và có thể còn giảm đôi chút. Vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 5,4%. Đây là một mức vừa phải trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thách thức.
Hoạt động ngoại thương tác động không tích cực nhiều nhất đến tăng trưởng kinh tế năm 2023. Xuất khẩu giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu giảm 8,9%. Điểm tích cực là cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng qua các quý trong năm. Đây là tín hiệu khả quan cho năm 2024.
Những điểm sáng
Cho dù thách thức và khó khăn là chủ yếu, nhưng cũng có những điểm sáng trong các hoạt động kinh tế năm 2023.
Vốn đầu tư công được giải ngân cao ở ngành Giao thông Vận tải với mức bằng 173,6% so với năm 2022 và bằng 91,1% so với kế hoạch được giao. Đây là mức cao nhất trong các bộ ngành có số liệu thống kê được công bố. Tổng số giải ngân của ngành này chiếm 73,5% vốn Trung ương. Hải Phòng, Bình Dương, Long An, Hưng Yên và Hà Nam là những địa phương có quy mô giải ngân lớn, tốc độ cao và đạt trên 90% kế hoạch được giao.
Ngành du lịch cũng đạt được những kết quả khả quan với tốc độ tăng trưởng cao của du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú ăn uống.
Những điểm sáng trong xuất khẩu thuộc ngành nông nghiệp gồm rau quả, hạt điều và gạo. Thị trường Trung Quốc có vai trò hết sức quan trọng cho việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
Khó khăn và thách thức kéo dài từ năm 2022 và đến đáy vào Quý I/2023. Những chính sách cụ thể về tài khóa, tiền tệ cũng như tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân đã được triển khai. Tài khóa mở rộng, nhất là đầu tư công là chính sách chủ đạo trong năm 2023. Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để có thể giải ngân vốn đầu tư công đã được ghi vào kế hoạch. Mức tăng cao so với năm 2022 là kết quả của nỗ lực này.
Trong bối cảnh các vấn đề của hệ thống ngân hàng bị bộc lộ, đặc biệt là tình huống Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), các cơ quan điều hành đã phải cân bằng mục tiêu đảm bảo ổn định hệ thống tài chính và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Thêm vào đó, mức lãi suất đồng đô-la liên tục tăng cao đã tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá tiền đồng. Đây cũng là một thách thức với cơ quan điều hành.
Các chính sách tháo gỡ cho các doanh nghiệp như giảm thuế, tạo nguồn vốn, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cũng đã được triển khai. Những chính sách này đã giúp những khó khăn được giảm nhẹ. Ví dụ, nhiều chính sách đã được đưa ra để hỗ trợ ngành bất động sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng trong giai đoạn khó khăn.
Có lạc quan với năm 2024?
Lạm phát của các nước phát triển, nhất là Mỹ và khu vực châu Âu đã hạ nhiệt. Theo dự báo sẽ là hạ cánh mềm (lạm phát được kiềm chế và tăng trưởng kinh tế chậm đi đôi chút). Rủi ro sẽ nằm ở nền kinh tế Trung Quốc và khu vực châu Âu.
Chiến tranh và bất ổn toàn cầu vẫn tiếp tục, đặc biệt là chiến tranh tại Ucraina và Trung Đông.
Như vậy, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2023 một chút. Điều này có nghĩa là xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó tăng mạnh trong năm 2024.
Tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam vẫn trông đợi vào sự phục hồi của công nghiệp do nông nghiệp đã ở ngưỡng cao và dịch vụ khó có những đột phá.
Việc nâng cấp đối tác chiến lược với Mỹ vào năm 2023 và những thỏa thuận với Trung Quốc trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 là những tiền đề tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo. Giao thương với Trung Quốc và đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ thuận lợi hơn so với năm 2023.
Chiến lược chuyển sản xuất về nước đồng minh gắn với việc nâng cấp đối tác chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao và mở rộng thị trường sang Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với trong nước, tâm lý là nhân tố hết sức quan trọng. Với đà tiếp tục từ năm 2023, khả năng người dân hồ hởi tăng mạnh chi tiêu và các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh là không cao.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, phải nhìn nhận tâm lý cán bộ là hết sức quan trọng. Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay đang tạo ra những tác động không mong đợi cho vấn đề này. Do vậy, xu hướng của việc chống tham nhũng trong năm 2024 cũng là một nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Mục tiêu tăng trưởng được đặt ra cho năm 2024 là 6% - 6,5%. Đây là một mục tiêu tham vọng khi nhìn vào các nhân tố tăng trưởng. Nhìn theo ba ngành, tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam vẫn trông đợi vào sự phục hồi của công nghiệp do nông nghiệp đã ở ngưỡng cao và dịch vụ khó có những đột phá.
Nhìn theo hướng chi tiêu, đầu tư và xuất khẩu sẽ là niềm hy vọng cho tăng trưởng năm 2024 do khả năng tăng mạnh của tiêu dùng trong nước là không cao. Đầu tư công sẽ không tăng mạnh do quy mô đầu tư theo dự toán ngân sách năm 2024 sẽ giảm nhẹ một chút so với năm 2023.
Khả năng đầu tư của khu vực tư nhân sẽ được cải thiện do chính sách tiền tệ không phải thắt chặt nhờ lạm phát được khống chế dưới 4% và áp lực tăng giá trong năm 2024 là không nhiều. Tuy nhiên, mức tăng cũng chỉ ở mức vừa phải.
Xuất khẩu có khả năng phục hồi, nhưng sẽ không quá đột biến như phân tích ở trên.
Một số vấn đề chính sách cần xem xét
Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 và cải thiện tình hình, những vấn đề sau cần được xem xét:
Thứ nhất, tiếp tục chính sách nghịch chu kỳ với vai trò chủ động của nhà nước. Trong bối cảnh hiện tại, vai trò thúc đẩy tăng trưởng của Nhà nước là hết sức quan trọng. Chính sách tài khóa và tiền tệ nên được phối hợp nhịp nhàng.
Các chính sách tháo gỡ cho các doanh nghiệp như giảm thuế, tạo nguồn vốn, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cũng đã được triển khai. Những chính sách này đã giúp những khó khăn được giảm nhẹ.
Thứ hai, chính sách tài khóa mở rộng hơn và dành nguồn vốn cho những dự án đầu tư trọng điểm ở những vùng trọng điểm. Cần tập trung đầu tư các hạ tầng giao thông kết nối trọng yếu, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc và các dự án hạ tầng lớn như sân bay Long Thành cùng các hạ tầng đô thị vùng Hà Nội và TP.HCM. Cần đẩy nhanh việc đầu tư hệ thống giao thông công cộng ở hai đô thị này.
Thứ ba, tín dụng mở rộng ở mức cần thiết để các doanh nghiệp có đủ vốn cho các hoạt động kinh doanh. Sự cẩn trọng để đảm bảo ổn định tỷ giá, lãi suất và an toàn hệ thống là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc đảm bảo đủ tín dụng cho các hoạt động kinh tế có vai trò then chốt.
Thứ tư, đảm bảo an toàn và giảm thiểu việc sở hữu chéo và lũng đoạn hệ thống tài chính. Đây là vấn đề dai dẳng đối với nền kinh tế Việt Nam. Cần áp dụng các chuẩn mực đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tài chính với vai trò điều tiết và giám sát của Nhà nước.
Thứ năm, lành mạnh hóa hoạt động của thị trường vàng. Trên thực tế, giá vàng trong nước luôn liên thông với giá vàng thế giới và khi không nhập khẩu chính thức thì vàng đi qua đường nhập lậu vào Việt Nam. Thêm vào đó, khi bất ổn kinh tế vĩ mô thì người dân tìm đến vàng chứ không phải ngược lại. Do vậy, chính sách hợp lý là để thị trường vàng hoạt động như những hàng hóa thông thường khác. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước nên tập trung ở việc đưa ra các quy định và giám sát hoạt động của các tổ chức tài chính khi tham gia vào hoạt động kinh doanh vàng.
Cuối cùng, chống tham nhũng nên được duy trì ở mức đủ răn đe việc làm bậy, đồng thời cần giảm thiểu tác động tâm lý không dám làm gì.
Tóm lại, kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đã phải gặp rất nhiều thách thức. Việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% là hết sức khích lệ. Những chính sách công cụ thể đã được triển khai để có được kết quả này. Trong bối cảnh khó khăn cũng có những điểm sáng, những nhân tố tích cực, nhất là việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư và cố gắng tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong năm 2024, những thách thức vẫn còn. Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5%, cần một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống.