Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
"Lạc quan Chân kinh" cho giới trẻ
Các chuyên gia kinh tế thường dẫn "Bài học Đài Loan" như một kinh điển mỗi khi bàn về mô hình kinh tế Việt Nam đang tìm kiếm cho tương lai.
Bài học Đài Loan
Đài Loan (Trung Quốc) đang chiếm đến 80% thị phần toàn cầu về máy tính xách tay và bo mạch chủ, 60% thị phần thiết bị mạng. Hòn đảo này là nhà xuất khẩu máy công cụ lớn thứ 5 thế giới. Họ vẫn gia công hàng da giày và may mặc cho các hãng như Nike, Adidas, Lululemon... Tập đoàn Pou Chen của Đài Loan là nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về quy mô. Năm 1994, Pou Chen đến Việt Nam mở nhà máy gia công, đến giờ đã có 8 nhà máy ở Việt Nam, bên cạnh các nhà máy ở Trung Quốc, Mexico, Indonesia,…
Sản lượng hàng năm của ngành công nghiệp ô tô Đài Loan đạt 23 tỷ USD. 75% các nhà cung cấp linh phụ kiện cho hãng xe Tesla đến từ Đài Loan. Ngành xe đạp của họ mới ngoạn mục, sản xuất hơn 80% xe đạp cho thế giới. Có hơn 900 công ty sản xuất xe đạp và phụ tùng tập trung ở các khu vực Đài Trung, Chương Hóa và Đài Nam mỗi năm xuất khẩu gần 8 tỷ USD. Xe đạp có thể là thiết bị đơn giản nhưng chúng sử dụng một số công nghệ không hề đơn giản, Đài Loan chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, mỗi chiếc xe sản xuất trong nước được bán cho các thương hiệu quốc tế với giá trung bình 813 USD.
Đài Loan số 1 về xuất khẩu dứa và các sản phẩm từ dứa. Một trái dứa từ xứ Đài xuất đi, lên kệ siêu thị ở Canada có giá 20 đô-la CAN, tức là 350.000 VND. Họ cũng xuất khẩu "văn hóa trà sữa" ra toàn thế giới, kèm theo đó là máy móc, nguyên liệu thô, các sản phẩm liên quan đến trà sữa, trong một thị trường toàn cầu ước đạt 4,3 tỷ USD vào năm 2027.
Giới trẻ luôn tìm ra pho "Lạc quan Chân kinh" cho riêng họ. Khi họ không nói đến khó khăn thì khó khăn không tồn tại.
Nghĩa là thứ hàng tiêu dùng gì Đài Loan cũng có thể làm ra được, làm tốt, làm dẫn đầu và kiên trì với thứ họ làm. Chứ không phải làm theo kiểu, công ty hôm nay dẫn đầu ngành trồng dứa rồi thì ngày mai, công ty phải chuyển sang chế tạo ô tô, để cho sang. Nhớ lại những năm đầu thập niên 1990, hàng Đài Loan như nhôm kính, trần thạch cao, mành rèm, bàn ghế, chăn nệm, mái hiên… đến Việt Nam gần như tạo ra một cuộc cách mạng về cách thức sinh hoạt và bộ mặt đô thị. Đến giờ Tung Kuang vẫn cứ sản xuất đồ nhôm, đồ nội thất. Các công ty cũng không có nhu cầu phải chuyển sang làm bất động sản, vì xứ Đài không như xứ ai, có cơ chế về đất đai để tạo ra chênh lệch địa tô lớn. Chênh lệch địa tô không lớn thì phát triển bất động sản cũng chỉ là một ngành cho lợi nhuận vừa phải mà thôi.
Đường cong nụ cười
Nói về Đài Loan, nhớ đến chủ hãng máy tính Acer, ông Stan Shih vào năm 1992 đã có một phát kiến gọi là "Đường cong nụ cười". Trục ngang của đồ thị thể hiện quá trình sản xuất sản phẩm, được cấu thành từ ba phần. Phần trái là các hoạt động nghiên cứu, phát triển, thiết kế, thương hiệu, bản quyền. Phần giữa là các hoạt động gia công và lắp ráp. Phần phải là các hoạt động phân phối, tiếp thị, bán hàng, dịch vụ, hậu mãi. Trục đứng của đồ thị thể hiện "lợi nhuận". Có thể thấy, vị trí ở giữa đồ thị là vị trí đạt lợi nhuận thấp nhất. Hàm ý của "Đường cong nụ cười" là: Doanh nghiệp muốn gia tăng lợi nhuận thì tránh sa đà vào việc tập trung gia công và lắp ráp, mà hãy không ngừng đẩy mạnh hoạt động về hai phía đồ thị, là các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao. Và đó cũng là hàm ý cho cả nền kinh tế. Phần giữa là các hoạt động gia công và lắp ráp, người Đài Loan đẩy sang các nước như Việt Nam, với sự xuất hiện của Pou Chen, Tung Kuang, Vedan, Foxconn…
Việt Nam mình có Intel, Samsung, Canon đến nhưng bao năm qua, dường như chúng ta vẫn chưa thoát khỏi phần đáy của "Đường cong nụ cười". Khu vực FDI vẫn chiếm đến hơn 70% xuất khẩu; vẫn thâm dụng lao động nhưng ưu thế về lao động giá rẻ đang mất dần vì tiền lương tăng bình quân nhanh hơn năng suất lao động. Tỷ lệ liên kết ngược vẫn lớn hơn tỷ lệ liên kết xuôi trong chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp phụ trợ phát triển chậm, doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung ứng hàng hóa non-tradable (tạm dịch: sử dụng tại chỗ) cho khu vực FDI. Và đáng ngại là tình trạng "missing middle" tức là các doanh nghiệp tư nhân loại vừa đang giảm…
Chúng ta đã có nhiều thành tựu kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục sau gần 40 năm đổi mới. Nhưng thành thật mà nói, chúng ta vẫn chưa tìm thấy nụ cười trọn vẹn trong "Đường cong nụ cười".
Lựa chọn thành công
Tháng 1/2008, tổ chức Vietnam Program thuộc Đại học Harvard xuất bản một nghiên cứu có tên "Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam". Đó là một nghiên cứu rất khoa học về khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế cho Việt Nam. Thật ngạc nhiên là những vấn đề nghiên cứu này đưa ra như: Chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, đầu cơ bất động sản, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tạo ra hơn 90% việc làm, khai thác lao động giá rẻ, các tập đoàn thiếu tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, sự phân biệt đối xử giữa 3 thành phần kinh tế FDI, nhà nước và dân doanh, v.v… sau 15 năm vẫn hoàn toàn đúng, như thể nghiên cứu vừa mới được thực hiện.
Nghiên cứu khuyến nghị, các nước Đông Á thành công là nhờ có chính sách đúng đắn trong 6 lĩnh vực then chốt, bao gồm Giáo dục; Cơ sở hạ tầng và Đô thị hóa; Doanh nghiệp cạnh tranh quốc tế; Hệ thống tài chính; Hiệu năng của Nhà nước; và Công bằng xã hội. Sự tiếp nối thành công của Việt Nam cũng sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của chính sách trong 6 lĩnh vực này.
"Rõ ràng là rào cản lớn nhất trên con đường phát triển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á không phải là những khó khăn mang tính kỹ thuật, mà là quyết tâm chính trị. Bằng những lựa chọn (hay không lựa chọn) của mình, Nhà nước Việt Nam sẽ quyết định tốc độ và triển vọng phát triển kinh tế của đất nước. Tương lai của đất nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng các quyết sách của chính phủ. Nói một cách khác, thành công hay thất bại là sự lựa chọn chứ không phải là định mệnh", nghiên cứu nhấn mạnh, "điều kiện tiên quyết là quyết tâm chính trị".
"Tương lai của đất nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng các quyết sách của chính phủ. Nói một cách khác, thành công hay thất bại là sự lựa chọn chứ không phải là định mệnh"
Một năm 2023 khó khăn cho kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế trong nước, là năm Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị rất cao với các đại án tham nhũng; đánh vào các nhóm lợi ích lũng đoạn ngành ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản; ra các quyết sách như bỏ sổ hộ khẩu thường trú, không được bổ nhiệm người địa phương; nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản… Việc quan trọng nhất trong các quyết tâm chính trị là Luật Đất đai sửa đổi. Quốc hội chưa vội thông qua luật trong năm nay là một sự thận trọng cần thiết. Nhà nước muốn có thời gian xem xét lâu hơn để ra một đạo luật có tác động sâu sắc đến cách vận hành của toàn bộ xã hội. Bài học lấy cải cách đất đai làm bệ phóng cho mọi thành công của Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore đã quá rõ ràng.
Đài Loan cải cách điền địa ngay từ những năm 1950, nhà cầm quyền mua đất từ địa chủ bán rẻ lại cho dân cày, trả tiền bằng trái phiếu công và cổ phiếu trong các doanh nghiệp công. Sau này, mỗi khi các tập đoàn công nghiệp cần đất đai để phát triển, họ đều trả cho chủ đất tiền mặt và cổ phiếu. Chủ đất có thể yên tâm sống bằng cổ tức. Nhiều chủ đất còn mong muốn các tập đoàn mua đất của họ.
Mới đây, Đài Loan ra luật mới chống đầu cơ bất động sản: Đánh thuế lên đến 45% trên tổng lợi nhuận giao dịch nếu sở hữu nhà đất chưa đủ 2 năm, 35% nếu chưa đủ 5 năm. Ở Hàn Quốc, không ai được sở hữu quá 660 m2 đất, tăng thuế lên 70% lợi nhuận từ các giao dịch chưa đủ 1 năm. Lý do Singapore không bao giờ xảy ra bong bóng bất động sản: Chính phủ trở thành "tay to" đầu cơ, thâu tóm 90% đất đai, xây nhà bán lại cho dân. 80% dân Sing sống trong các khu nhà giá rẻ và chất lượng khá do chính phủ xây dựng.
"Lạc quan Chân kinh"
2023 là một năm quá khó khăn, hơn cả năm 2022 khi thế giới bước ra khỏi đại dịch Covid-19. Những con số về lao động thất nghiệp, doanh nghiệp đóng cửa tăng chóng mặt. Đối với người Việt Nam là cú sốc không nhỏ, vì khá lâu ta mới rơi vào tình trạng này, sau các lần 2008 hay 2012. Đối với các bạn trẻ GenZ, đây là lần đầu tiên họ được nếm mùi khó khăn. Sau những năm miệt mài tiêu xài, có lẽ các bạn cũng nên trang bị thêm các trải nghiệm "diện bích sám hối" hay "thắt lưng buộc bụng".
Đối với các nước, những đợt suy thoái này diễn ra thường xuyên hơn và họ quá quen với chúng. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, một nửa số doanh nghiệp mới thường đóng cửa trong vòng 5 năm và 65% sẽ dẹp tiệm trong vòng một thập kỷ. Lý do thứ nhất là làm ra thứ không ai cần, và lý do thứ hai là hết tiền. Chuyện đóng cửa doanh nghiệp như vậy là điều bình thường. Đối mặt với suy giảm kinh tế, giới trẻ Hàn Quốc thậm chí còn biến nó thành các thử thách đầy thú vị. Mạng xã hội Hàn Quốc xuất hiện thử thách "không tiêu pha" - giảm tất cả các khoản chi tiêu hằng ngày nhiều nhất có thể - được giới trẻ hưởng ứng tích cực.
Giới trẻ luôn tìm ra pho "Lạc quan Chân kinh" cho riêng họ. Khi họ không nói đến khó khăn thì khó khăn không tồn tại. Năm 2023, nhà xuất bản từ điển tiếng Anh Oxford chọn "rizz" là từ vựng của năm. "Rizz" được định nghĩa là sự quyến rũ hoặc hấp dẫn, hay khả năng thu hút bạn tình của một ai đó. Giới trẻ Việt Nam cũng rộ lên trào lưu "flex" tức là khoe khoang thành tích, tài sản trên mạng xã hội.
Năm trước, đình trệ mất nửa năm vì Covid mà các bạn vẫn nghêu ngao hát Năm qua tôi đã làm gì / Cho người sinh ra tôi / Năm qua tôi đã làm gì / Cho người yêu thương mình. Năm ngoái, các bạn lại say sưa với Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu. Sức chịu đựng đại diện cho sự trưởng thành của một dân tộc. "Còn da lông mọc / Còn chồi nảy cây". Chịu đựng trong sự lạc quan. Quy luật trời đất "vật cực tất phản", qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Năm mới chúng ta lạc quan bước tới với câu hát:
Thành công thất bại chỉ là chuyện năm cũ thôi.
Đón chào năm mới!