Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Làn sóng doanh nghiệp trả mặt bằng, phá sản tại TP.HCM chưa dừng lại
Làn sóng trả mặt bằng vẫn nóng
Hàng loạt cửa hàng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ tại TP.HCM vẫn đang đóng cửa, trả mặt bằng vì sức mua yếu. Đáng chú ý, trái với kỳ vọng thị trường sẽ dần hồi phục thì thêm nhiều doanh nghiệp, cửa hàng gần đây tại khu vực trung tâm thành phố đã “tháo chạy”, trả mặt bằng.
Cuối tuần, đường Lê Lợi (quận 1) nằm cạnh chợ Bến Thành dẫn ra đường đi bộ Nguyễn Huệ nhộn nhịp khách, dù vậy mặt bằng trên tuyến đường này vẫn “ế sưng ế sỉa”.
Theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, nửa năm qua, con đường này ít có thêm thương hiệu mới đến kinh doanh, mà ngược lại, một số cửa hàng đã tiếp tục trả mặt bằng và rời đi. Nằm tại góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực, cửa hàng vàng bạc đá quý, trang sức lớn và lâu đời gần đây đã đóng cửa khiến con đường càng thêm hẩm hiu.
Không chỉ thương mại dịch vụ, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang ghi nhận tình hình ảm đạm khi thiếu đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp trong ngành giày da, may mặc. “Ông lớn” như PouYuen từ đầu năm đến nay đã phải sa thải hai đợt với tổng cộng khoảng 8.000 công nhân vì không có đơn hàng.
Chủ nhiệm câu lạc bộ các doanh nghiệp Thép tại TP.HCM Đinh Công Khương cho biết chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó khăn như năm nay. Trong khi Ngân hàng Nhà nước có nhiều đợt giảm lãi suất thì ngân hàng thương mại lại giảm nhỏ giọt. Theo ông Khương, doanh nghiệp đang khát vốn, có nhu cầu vay từ vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng nhưng lãi suất cao trong bối cảnh khó khăn khiến khó chồng thêm khó.
Ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên áp dụng các biện pháp lãi suất tối thiểu. Đây là điều cần làm ngay lúc này để “cấp cứu” doanh nghiệp.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết các khảo sát do hiệp hội thực hiện trong quý I/2023 và quý II/2023 đối với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM cho thấy số lượng doanh nghiệp có doanh thu giảm chiếm 51%, số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm chiếm 62%. Sản phẩm, hàng hóa tồn kho tại các doanh nghiệp tăng đến 41%. Điều này cho thấy tình hình là hầu hết doanh nghiệp đang kinh doanh không thuận lợi.
Làn sóng doanh nghiệp phá sản chưa dừng lại
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đánh giá các khó khăn chung của thị trường từ đầu năm vẫn chưa giải quyết hết, việc thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, việc chậm thực hiện các dự án bất động sản vẫn đang diễn ra khiến doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Hòa, các khó khăn kéo dài tác động tiêu cực đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Khảo sát của hiệp hội cho thấy có tới 30% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh quý tiếp theo sẽ còn tiếp tục giảm. Khả năng số lượng doanh nghiệp tiếp tục rút lui khỏi thị trường sẽ còn gia tăng.
Để sớm giúp doanh nghiệp hồi phục, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM cho rằng chính quyền thành phố cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp.
Trong bối cảnh sức mua giảm thấy, theo các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và chương trình xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước do thành phố tổ chức.
Lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, các doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh việc bơm vốn vào nền kinh tế thông qua việc giảm bớt thủ tục và điều kiện vay vốn, tăng giá trị tài sản đảm bảo và giảm điều kiện thế chấp tiền vay.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đơn vị này kiến nghị TP.HCM cần tăng cường hoạt động đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng, làm cơ sở cho sự phát triển tương lai và tạo nguồn vốn mồi để các doanh nghiệp cùng tiếp cận, tạo việc làm cho doanh nghiệp và người lao động.
Các sở ngành cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng giải quyết các yêu cầu cấp bách và chính đáng của doanh nghiệp như việc hoàn thuế giá trị gia tăng, thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lao động… để gỡ một loạt khó khăn cho doanh nghiệp.
“Thành phố cần nhanh chóng triển khai chương trình kích cầu theo Nghị Quyết 98, sớm ban hành danh mục các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng chính sách hỗ trợ kích cầu. Có cơ chế để doanh nghiệp đầu tư dự án tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, được tham gia chương trình kích cầu theo Nghị quyết 98”, ông Hòa nhấn mạnh.