Làng Cười Du lịch Điện Biên

04/09/2018 14:55 GMT+7
Điện Biên là một tỉnh nằm ở vùng Tây Bắc, miền Bắc Việt Nam, giáp với các tỉnh Lai Châu và Sơn La của Việt Nam, Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc, Phongsali của Lào ở phía Tây.

Hành chính

Tỉnh Điện Biên gồm 1 thành phố (tỉnh lỵ), 1 thị xã và 7 huyện:
• Thành phố Điện Biên Phủ
• Thị xã Mường Lay (thị xã Lai Châu trước kia)
• Huyện Điện Biên (đã trình xin đổi thành huyện Mường Thanh).
• Huyện Điện Biên Đông
• Huyện Mường Ảng
• Huyện Mường Chà
• Huyện Mường Nhé
• Huyện Tủa Chùa
• Huyện Tuần Giáo

Thông tin nhân khẩu

Tỉnh Điện Biên có 21 dân tộc sinh sống với tổng dân số là 491.046 người (điều tra dân số ngày 01/04/2009), chủ yếu là người Thái (~38%), tiếp đó là H'Mông (~30%) và Kinh (~20%).

Giao thông

Mạng lưới giao thông đường bộ:
• Từ thành phố Điện Biên Phủ tới Hà Nội 474 km theo quốc lộ 279 và rẽ sang quốc lộ 6.
• Quốc lộ 12: Từ thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Ma Lu Thàng (Lai Châu) 195 km.
• Quốc lộ 279: Nối Tuần Giáo qua thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang dài 117 km.
Đường không: sân bay Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ phục vụ tuyến Hà Nội - Điện Biên Phủ - Viêng Chăn - Luông Pha Băng.

 

Du lịch

Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờcát).
Quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.
Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 21 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, điển hình là dân tộc Thái, dân tộc H'Mông.
Bên cạnh đó Điện Biên có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ,...
(Dân Việt)