HOT HOT HOT:

Làng cười Sài thành gặp mặt mừng Xuân Đinh Dậu

26/01/2017 00:09 GMT+7

Khi có Facebook, dân cười đất Sài Thành biết nhau nhiều hơn, lại thêm Tú Jap (TKTS Làng Cười) ở phía bắc kêu gọi phía nam liên hồi như gà đẻ trứng... lần đầu, thế là họ tìm đến nhau và lập ra một “làng” chuyên trị các chứng bệnh tiêu cực trong xã hội bằng sáng tác thơ châm, tiểu phẩm, tranh vẽ dính dáng đến cái sự... cười.

Thành viên của Làng cười Sài Thành gồm đủ thứ: nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhân viên văn phòng, sinh viên, buôn bán nhỏ, thợ nhà in... Dù tuổi làng mới ở độ thanh xuân, song tuổi đời các “làng viên” không ít người đã lên chức tới ông nội, bà ngoại, ông cố... Nhìn chung mỗi người có một nét cá tính khác nhau, nhưng họ gắn kết với nhau bằng tiếng cười và có thể nói tiếng cười đã làm họ đến với nhau trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Cái chất biếm Sài Gòn của các “làng viên” dường như đã được thể hiện ngay từ cái tên. Nào Hoàng Ba Đình, Tư Đơ, Công Công, Tư Quéo, Tú Nhốp, Tư Cầu Voi, Cua Ba Càng, Dũng Cận, HienMQ... hoặc bút danh bằng tên thật như Thành Được, Trần Thu Hòa, Kim Hoa, Trà Kim Long, Minh Triết, Nguyễn Sinh, Đặng Trung Thành, Nguyễn Hoàng Duy, Trương Ngọc, Trương Văn Hiếu... Người làm thơ, viết tiểu phẩm hài, người vẽ tranh biếm. Điều đáng nói là họ được liệt vào hàng tăm tiếng nhưng không phải... tai tiếng. Tiểu phẩm, thơ châm hoặc tranh biếm họa của họ cũng vậy: bình dân, dễ xem, trào lộng, không quá hàn lâm, quá “nặng” khiến độc giả phải nhức đầu từ từ suy nghĩ mới... hiểu ra!

Đề tài các “làng viên” chạm đến quả là vô thiên lủng, từ đề tài gai góc chống tham nhũng, quan liêu, ô dù, lập bè phái, trù dập lẫn nhau... Nóng sốt như chuyện môi trường ô nhiễm, giao thông, giáo dục, nước mắm... Tà tà như thói hư tật xấu ở dân ta với liều lượng biếm từ mức “vượt đầu gối” trở lên. Điều quan trọng là bài vở, tranh ảnh của Làng cười Sài Thành đều được nhiều thành phần độc giả đón nhận, hoan nghênh, tâm đắc.

Xã hội càng phát triển, công chúng ngày càng thích thú với những tác phẩm báo chí vừa đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự tươi mới, vừa góp phần thư giãn, giải trí cho họ. Trong các thể loại báo chí, báo Cười nổi bật trong việc đáp ứng nhu cầu ấy bởi nó kết hợp tính chính luận nhạy bén với tính hài hước sắc sảo khi nhìn nhận, đánh giá về một vấn đề nào đó. Trong các “làng viên”, đáng chú ý có Mai Quang Hiền, Trương Minh Hoàng là những cây bút quen thuộc của Làng Cười, luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người đọc bằng phong cách viết đậm chất hài hước. Bài viết của hai anh này bám rất sát hiện thực xã hội với lối châm biếm sâu cay. Vì thế đọc tiểu phẩm của hai anh, người ngay thấy khoái, kẻ có tật giật mình, kẻ xấu, kẻ ác thấy bực mình, xấu hổ nhưng không thể không thán phục họ ở sự chính xác khó lòng chối cãi. Riêng Đặng Trung Thành là thành viên ít tuổi nhất cả nhóm (lứa U30) nhưng cũng sung sức nhất, thường xuyên “tả xung hữu đột” trên làng báo khắp từ Nam ra Bắc. Đặng Trung Thành chia sẻ “bí kíp” viết nhanh và nhiều của anh: “Thứ nhất là phải theo dõi thông tin nóng hổi của cuộc sống hàng ngày qua báo đài. Thứ hai là trong mớ thông tin hỗn độn ấy, ta chắt lọc thông tin, chọn lựa những thông tin nào cần thiết cho cuộc sống nhất, hay nhất, có thể tìm ra được nhiều nụ cười nhất. Và ba là ta thể hiện tinh thần của thông tin đó dưới dạng văn chương hài hước riêng của ta. Mình có thể làm một bài thơ ngắn, một bài hư cấu thành một truyện cười và tùy vào phương tiện diễn đạt mà viết sao cho phù hợp và viết làm sao cho mọi người cười được và chấp nhận điều mà mình nói ra!”

Tương tự, các anh chị Trà Kim Long, Minh Triết, Đàm Vũ Tri, Kim Hoa... tuy mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó, bơ phờ, nhiều “đường hẽm” (chắc yếu mà hay ra gió!). Nhưng trong cách nói chuyện của họ thường đầy chất châm biếm. Anh Trà Kim Long tâm sự: “Khi đặt bút viết một tiểu phẩm, tôi luôn xác định mình phải viết về vấn đề nào mà tôi và nhiều bạn đọc đang quan tâm. Đương nhiên, qua ngòi bút, ngôn từ, cách diễn giải của mình, tôi luôn chú trọng đến yếu tố làm sao mang lại tiếng cười cho độc giả và sau tiếng cười đó, có thể khiến độc giả phải suy ngẫm về điều mà mình đưa ra!”. Hoặc trường hợp Trần Thu Hòa (kinh doanh đồ điện, phụ kiện ngành xây dựng) hay Thành Được (làm ngành giấy decal, in nhãn mác) đều cho rằng đến với Làng Cười vì một sự tình cờ, do “viết lách cũng là sở thích, đặc biệt là viết cười, vì luôn nghĩ rằng tiếng cười rất cần thiết cho cuộc sống chúng ta... ” và quan trọng là “cũng có chút tiền nhuận bút ăn phở, bún bò, cà phê, sinh tố...”. Trường hợp Nguyễn Văn Dũng (họa sĩ Cận) lại cho rằng từ những bức tranh vẽ cho Làng Cười và một số báo khác, anh kiếm sống và nuôi được mấy đứa con công thành danh đạt, nghe qua cũng hết sức tâm - lý - xã -hội - lâm - ly - bi - đát - phim - bộ - Đài - Loan không khác nào chuyện một bà bán chuối chiên nuôi con đỗ Tiến sĩ Trường Đại học Ha-vớt mà báo chí từng đăng tải!

Những năm qua, Làng cười Sài Thành đã có những đóng góp không nhỏ cho sự khởi sắc của báo Làng Cười. Xem ra số báo nào cũng có tin bài của các thành viên Làng cười Sài Thành. Nhân ngày Tết đến Xuân về, thông qua trang báo này kính chúc Làng cười Sài Thành sẽ có thêm nhiều tuổi thọ giữa cuộc đời lắm hương hoa nhưng không hề thiếu vắng cỏ dại, chuồn chuồn, châu chấu, bọ ve nhưng gẫm ra vẫn vô cùng mến yêu và các “làng viên” Sài Thành cũng mong muốn qua năm mới con gà, sẽ có thời điểm báo ta tăng trang hoặc tăng kỳ, chứ mãi 1 tháng trời mới có 1 tờ báo ra mắt đúng là “chờ đợi khá lâu, khiến độc giả và bà con dân làng thòm thèm” quá!

Như Quỳnh