Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Lo ngại áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường
Tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính đề xuất đưa “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) không đồng tình vì có nhiều yếu tố chưa phù hợp.
Khái niệm “đồ uống có đường” chưa rõ ràng
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB đề xuất bổ sung “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu thuế TTĐB là chưa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Theo ông Trung, đáng lo ngại là khái niệm “đồ uống có đường” có thể hiểu là tất cả sản phẩm dùng để uống và có đường như sữa và sản phẩm từ sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, dinh dưỡng cho bệnh nhân, sữa cho phụ nữ mang thai... Đây là mặt hàng rất thiết yếu, được dùng hằng ngày ở mọi gia đình.
“Đồ uống có đường” trong dự thảo luật rất rộng và chưa có trong bất cứ văn bản pháp luật nào. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7041: 2009 chỉ có khái niệm “đồ uống không cồn”, TCVN 12828:2019 chỉ có khái niệm “nước giải khát”.
Ông TRẦN QUANG TRUNG, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam
Do đó, một khi bị đánh thuế TTĐB sẽ đẩy giá các sản phẩm có lợi cho sức khỏe này tăng lên trong khi hiện nay nhiều người lao động thiếu việc làm, thu nhập giảm sẽ hạn chế tiêu dùng.
“Quy định này sẽ đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về tăng cường nâng cao sức khỏe toàn dân và giảm tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em” - ông Trung nói.
Cùng quan điểm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết với đề xuất đánh thuế TTĐB đối với các nhóm hàng này sẽ ảnh hưởng đến phần lớn người dùng. Bởi đây là các sản phẩm bình dân, được tiêu thụ đến tận vùng nông thôn trên cả nước, sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng của ngành. Chẳng hạn ngành sản xuất đường, bao bì, hệ thống phân phối bán lẻ, đặc biệt là những tiệm tạp hóa, bán rong thì thu nhập phụ thuộc trực tiếp vào việc kinh doanh những mặt hàng này.
Hơn nữa, việc tăng thuế sẽ đẩy DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vào thế đã khó nay càng khó hơn khi cùng lúc chịu nhiều áp lực, chi phí tăng cao trong khi khả năng tiêu thụ sản phẩm của người dân giảm.
“Không chỉ vậy, khái niệm “đồ uống có đường” là những mặt hàng cụ thể nào? Bởi phạm vi của khái niệm này rất rộng và chưa có trong bất cứ văn bản pháp luật nào của Việt Nam. Khái niệm này được hiểu là tất cả sản phẩm dùng để uống được và có đường đều sẽ là đối tượng áp dụng luật này” - bà Chi nhận định.
Lo tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng
Với những bất cập trên, các DN, hiệp hội đồng loạt kiến nghị không đánh thuế TTĐB đối với “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” trong giai đoạn khó khăn hiện nay để không tạo thêm gánh nặng cho người dân và DN.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, phân tích: Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỉ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng, cũng như tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu nói đánh thuế đồ uống có đường nhằm giảm tỉ lệ béo phì, bệnh tiểu đường… thì cần có những bằng chứng khoa học thật sự cũng như thực tiễn của Việt Nam. Hơn nữa, thị trường còn nhiều loại khác cũng có tỉ trọng đường lớn hơn đồ uống có đường như trà sữa, cà phê… sẽ áp thuế hết hay không.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tích lũy tài chính của nhiều gia đình thu hẹp hay gần đây nhiều hộ gia đình giảm thu nhập do mất việc làm. Nếu tăng thuế với nhóm hàng này, người dân phải tiếp tục gánh chịu thêm khoản tăng chi phí trong chi tiêu hằng ngày.
“Do đó, tôi cho rằng khi đưa ra chính sách cần khách quan, tỉnh táo đánh giá sự tác động đến mọi mặt của đời sống, sức khỏe DN, sức khỏe hộ gia đình chứ không nhìn khía cạnh của một mặt hàng. Hiện nay, khi chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta cân nhắc không nên áp thuế TTĐB với đồ uống có đường” - TS Việt nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung cũng đề nghị cơ quan chức năng loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa trong dự thảo luật để tránh nhầm lẫn đánh thuế TTĐB lên sản phẩm dinh dưỡng cho sức khỏe. Đồng thời chưa mở rộng đối tượng chịu thuế để không thêm gánh nặng cho người dùng, DN; chỉ đánh thuế đúng sản phẩm có chứng minh khoa học là có hại đúng với mục tiêu sắc thuế.
Tăng thuế đồ uống có đường nhằm giảm béo phì liệu có hiệu quả?
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỉ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng. Tuy nhiên, theo đại diện một DN chuyên sản xuất nước tăng lực tại TP.HCM, hiệp hội sữa… cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính. Việc áp thuế TTĐB là thiếu cơ sở khoa học, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.
Các DN, hiệp hội dẫn chứng: Hiện nay, trên thế giới chỉ có 50/193 quốc gia đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát bổ sung đường (không phải là đồ uống có đường và đều loại trừ các sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng).Thế giới cũng chưa có bất kỳ thống kê hoặc nghiên cứu nào cho thấy 50 quốc gia đánh thuế nước giải khát bổ sung đường đem lại hiệu quả trong việc giảm tình trạng béo phì.