Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Luật sư vụ Vạn Thịnh Phát so sánh vụ SCB với vụ EPCO - Minh Phụng
Chiều 18/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Trong buổi xét xử, các luật sư đã bào chữa cho các bị cáo, đặc biệt là Võ Tấn Hoàng Văn – cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư cho rằng cựu Tổng Giám đốc SCB làm theo chỉ đạo bà Lan
Trong phần bào chữa, luật sư Lê Hồng Nguyên, bào chữa cho bị cáo Văn khẳng định rằng bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn không phải là người trực tiếp chỉ đạo các hành vi phạm tội tại SCB. Theo ông Nguyên, bà Trương Mỹ Lan mới là người chi phối mọi hoạt động tại ngân hàng, và bị cáo Văn chỉ hành động theo chỉ đạo của bà Lan thông qua các cấp dưới.
Luật sư cũng nhấn mạnh rằng bị cáo Văn chỉ là người làm công ăn lương và không nhận lợi ích từ các hành vi sai phạm. Ông Nguyên cho rằng bản án sơ thẩm đã không phản ánh đúng bản chất vụ việc khi cáo buộc bị cáo Văn giúp bà Lan chiếm đoạt tài sản của SCB, vì dòng tiền trong các giao dịch vay vốn thực tế không rời khỏi ngân hàng mà chỉ là hành vi đảo nợ.
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Xuân Huy.
Tại phiên tòa, luật sư Lê Hồng Nguyên đã đưa ra ý kiến không đồng ý với đề nghị của VKS về việc giao tài sản trong vụ án cho SCB để xử lý. Ông giải thích rằng, trong trường hợp này, tài sản liên quan là tiền chứ không phải vật dụng cụ thể như xe ô tô, vì vậy không thể giao tài sản của bị cáo cho SCB để thu hồi số tiền bị chiếm đoạt.
Ông Nguyên cũng chỉ ra rằng SCB hiện không có phương án xử lý tài sản phát sinh lãi để khắc phục hậu quả, vì vậy không thể tiếp tục giữ các tài sản liên quan đến vụ án.
Từ vụ án Vạn Thịnh Phát đến vụ án Minh Phụng - EPCO
Để làm rõ quan điểm của mình, luật sư Nguyên đã dẫn chứng vụ án Tăng Minh Phụng – EPCO, cho rằng vụ án này có nhiều điểm tương đồng với vụ Vạn Thịnh Phát, đặc biệt là ở phần dân sự. Trong vụ án trước, dù tài sản lớn được giao cho ngân hàng xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết hết các khoản nợ, do thiếu cơ chế xử lý tài sản hiệu quả.
Theo ông Nguyên, vụ Minh Phụng - EPCO có tổng số nợ hơn 6.000 tỷ đồng. Tài sản là nhà xưởng, máy móc được giao cho ngân hàng xử lý. Vụ án đã 20 năm qua vẫn chưa khắc phục được hậu quả vì việc giao tài sản cho ngân hàng nhưng không đem bán đấu giá, ngân hàng không có cơ chế xử lý nên không hiệu quả trong việc khắc phục hậu quả. Do đó, ông đề nghị HĐXX xem xét.
Các bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: Xuân Huy.
Luật sư Nguyên cũng nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ, như việc bị cáo Văn đang nuôi 6 con nhỏ, vợ bị bệnh nặng và gia đình có công với cách mạng. Từ đó, ông Nguyên đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Văn, giúp ông có cơ hội làm lại cuộc đời.
Cuối phần bào chữa, luật sư Nguyên cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bà Trương Mỹ Lan, với tư cách là công dân, để bà có thể cải thiện tình trạng hiện tại.
Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 18/11/2013 đến 11/12/2017, Võ Tấn Hoàng Văn đã ký hợp thức 290 hồ sơ vay vốn gây thiệt hại cho SCB 60.502 tỷ đồng. Tại phiên xét xử, bị cáo Văn thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho rằng mình chỉ làm công ăn lương, không nhận lợi ích gì từ các khoản vay trái phép.
Với các hành vi trên, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Văn án tù chung thân về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, bị cáo Văn đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Văn, giảm án xuống còn 15-16 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhưng giữ nguyên mức án chung thân về tội Tham ô tài sản.