Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Masan bán trọn công ty sản xuất vonfram ở Đức cho Mitsubishi
H.C. Starck Holding GmbH (HCS), công ty cung cấp bột vonfram hàng đầu thế giới, được Masan mua lại vào năm 2019 thông qua Masan High Tech Materials (MHT) - công ty con của Masan chuyên về khai khoáng.
MHT bắt đầu đầu tư vào HCS năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam.
Do điều kiện pháp lý tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho phép nhập khẩu phế liệu vonfram, Masan sẽ chuyển nhượng HCS cho với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group). Hai bên chưa công bố giá của thương vụ này.
Nhà máy khoáng sản Núi Pháo (cung cấp vonfram) tại Thái Nguyên của Tập đoàn Masan. Ảnh tư liệu
Phía Mitsubishi cho biết dự kiến hai bên sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng vào ngày 29/5/2024. Theo kế hoạch, thương vụ sẽ hoàn tất vào tháng 3/2025 tùy vào các thủ tục pháp lý và thủ tục doanh nghiệp.
Phía Masan chưa tiết lộ về thương vụ. Tuy nhiên, số tiền từ thương vụ được kỳ vọng sẽ giúp giảm nợ vay của MHT.
Theo thông tin do phía Mitsubishi cung cấp, MMC Group cũng sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm vonfram cho MHT.
Trong hệ sinh thái Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, MHT vận hành nhà máy khai thác và cung cấp vonfram tại mỏ Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên. Công ty này mang tên Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Khoáng sản Núi Pháo).
Theo báo cáo của Khoáng sản Núi Pháo, công ty vừa trải qua một năm kinh doanh đầy khó khăn với khoản lỗ 1.409 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi sau thuế của công ty năm 2022 là 213 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Khoáng sản Núi Pháo là 10.894 tỷ đồng, giảm 12,1% so với đầu năm (12.396 tỷ đồng). Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,08 lần (tương ứng 25.784 tỷ đồng) hồi đầu năm, lên 2,41 lần (tương ứng 26.255 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023.
Dư nợ trái phiếu trái phiếu của doanh nghiệp biến động nhỏ so với đầu năm 2023, quanh mốc 7.300 tỷ đồng.