Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Mây ngũ sắc ở TP.HCM không phải dấu hiệu thời tiết xấu
Chiều ngày 12/5, trên bầu trời thành phố xuất hiện vầng mây ngũ sắc. Nhiều người dân thấy lạ, thi nhau chụp ảnh khoe trên mạng xã hội. Theo ghi nhận của phóng viên Thế giới Tiếp thị, trong thời gian khoảng 30 phút, vầng mây đã thay đổi màu và hình dáng thường xuyên, tạo nên cảnh tượng độc đáo.
Mây ngũ sắc xuất hiện ở TP.HCM khoảng 30 phút. Ảnh: Đ.Đ.T
Nhiều người đồn đoán mây ngũ sắc xuất hiện là dấu hiệu của thời tiết xấu sắp xảy ra. Thông tin này lan truyền trên mạng, khiến nhiều người hoang mang. Một số thông tin đồn đoán được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội như: "bão SO2", "thủng tầng ozon", "sắp có mưa cực lớn"...
Ông Lê Đình Quyết -- Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ -- cho biết đây là hiện tượng mây ngũ sắc, ngành khí tượng xếp vào quang hiện tượng.
“Hiện tượng tự nhiên này xảy ra khi có sự nhiễu xạ ánh sáng trong bầu khí quyển. Hiện tượng xảy ra khi các hạt mây hoặc các tinh thể băng có kích thước nhỏ cấu trúc riêng lẻ tán xạ ánh sáng”, ông Quyết giải thích.
Được biết, màu sắc trong mây khi hiện tượng này xảy ra không giống như hiện tượng cầu vồng (7 màu) theo dải phổ mặt trời, mà màu sắc trong mây ngũ sắc có khi nhạt, có khi rất sặc sỡ.
“Hiện tượng cầu vồng chúng ta chỉ có thể quan sát thấy chúng xuất hiện khi ta quay lưng với mặt trời, nghĩa là thường xuất hiện vào sáng hoặc chiều tối, góc quan sát là 42 độ; hoặc xảy ra khi trời vừa tạnh mưa. Còn hiện tượng mây ngũ sắc ta có thể quan sát rộng hơn, ở bất kì vị trí nào", ông Quyết cho biết.
Đây chỉ là hiện tượng tự nhiên trong khí tượng, không nói lên bất kỳ dấu hiệu nào về diễn biến thời tiết xấu sắp xảy ra, ông khẳng định.