Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Món cá kho tiêu của má
Ra tới ngõ, như sực nhớ ra, má quay vào dặn ở nhà nhớ hái mớ tiêu già ngoài trụ. Bỗng dưng tôi nghe lòng mình chùng xuống: Rồi không biết tết năm nay, má có về kịp để làm món cá kho tiêu?
Năm nào cũng vậy, cứ đến gần tháng Chạp, má lại vào ra ngó mấy trụ tiêu già ngoài ngõ. Khi những trái tiêu bắt đầu chín bói cũng là lúc má hái vào đạp lấy hạt, phơi khô. Một phần tiêu mới, má để làm quà gửi cho bà con ở xa ăn lấy thảo. Phần còn lại, má cất để ăn dần trong năm. Và những hạt tiêu mới luôn được bắt đầu bằng món cá kho tiêu.
Nhớ hồi nhỏ, tôi thường nghe má kể về những tháng năm cùng ngoại sống ở Tháp Mười. Giữa thời loạn lạc, chiến tranh, đói kém nhưng thừa cá, chỉ cần cắm câu một đêm đã ăn mấy ngày không hết. Bởi vậy, món má ăn hằng ngày là cá và nhất là cá kho tiêu.
Đất nước thống nhất, ngoại trở về quê cùng những câu chuyện của một vùng đất ăm ắp tình người và cả món cá kho tiêu như hồi ở Tháp Mười. Má lấy chồng, theo ba về vùng đất khác, trong hành lý mang theo có cả "bí quyết" về món cá kho tiêu mà ngoại dạy lại cho mình.
Tôi mang trong lòng câu hỏi về “bí quyết của ngoại” trong suốt tuổi thơ khi chưa bao giờ nghe má kể. Đến khi lớn lên rồi tôi mới hiểu, bí quyết của ngoại không phải gia vị, cũng không cầu kỳ đẹp mắt mà ở tấm lòng của người đàn bà biết lo cho tổ ấm của mình bắt đầu từ gian bếp.
Hồi đó nhà nghèo, lại ở gần rừng, xa chợ nên bữa cơm thường nhật của gia đình tôi chỉ toàn dưa, cà muối xổi, cá khô, họa hoằn lắm mới có vài con cá tươi bé xíu. Và thể nào trong lúc kho cá, má cũng "lỡ tay" bỏ muối hơi nhiều, tiêu hơi cay một chút. Mỗi lần anh em tôi cằn nhằn, má lại cười xòa: "Chờ tới tết rồi má mua cá to cho dễ kho".
Má giữ đúng lời hứa. Đó là trong buổi chợ cuối cùng của năm cũ, sau khi mua xong các thứ cần thiết cho ngày tết, má sẽ chọn vài con cá lóc mang về thả trong chiếc lu sành sau bếp. Cá lóc sau khi làm sạch, má cắt từng khoanh dày chừng đốt ngón tay, rồi chiên sơ cho thịt cá săn lại mới ướp và nấu. Má dặn tôi vừa giã tiêu vừa canh chừng nồi cá, thấy cá sôi thì hãm lửa đến khi nước cạn dần là được. Tôi rất thích việc này vì mỗi lần mở nắp vung, mùi cá kho lại xộc vào mũi thơm lừng.
Nhưng sự háo hức của tôi là chờ lúc mâm cơm được dọn ra. Cả nhà quây quần bên nhau. Nhìn món cá lóc kho, thể nào ba cũng trêu má: "Lóc kho là lo khóc. Má bây lo khóc cho hết đi để sang năm mới còn cười". Má lại rơm rớm nước mắt. Không biết má khóc vì tủi thân khi trải qua một năm dài cơ cực hay vì hạnh phúc khi thấy gia đình được mạnh khỏe, bình an?
Theo năm tháng, cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn. Những bữa cơm cũng không còn giản đơn như trước. Có cá, có thịt, có cả những món ăn mà trước đây được coi là xa xỉ. Tết đến lại càng nhiều món ngon hơn nhưng cá kho tiêu vẫn luôn đồng hành với bữa cơm gia đình…
Ngày tết, sau những cuộc vui quá nhiều bia, rượu, thịt thà thì với anh em tôi, món cá kho tiêu của má lại là món "đắt hàng" nhất. Về đến nhà, không cần đợi, chúng tôi mỗi đứa vào bếp làm một tô cơm, thêm lát cá kho rồi cứ tìm chỗ mà ngồi ăn. Má thấy lại la: "Nhà có bàn ghế không ngồi mà cứ vật vờ vậy con". Anh em tôi nhìn má, rồi lại nhìn nhau cười. Ừ, cứ để má la cho vui cửa vui nhà, để biết má còn khỏe và cho món cá kho tiêu mặn mà thêm chút nữa. Giờ chúng tôi cũng chỉ cần nhiêu đó mà thôi…
Theo báo Bình Phước