Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Một năm sóng gió của thị trường ô tô Việt
Dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, bản thân các doanh nghiệp cũng nỗ lực song doanh số sụt giảm 30% có thể coi là "cú sốc" với thị trường ô tô Việt Nam sau nhiều năm duy trì tăng trưởng.
Dự đoán sụt giảm gần 30% doanh số
Thị trường ô tô Việt Nam vừa trải qua một năm đầy sóng gió. Ngay từ đầu tháng 3, dự báo được những khó khăn về tiêu thụ, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã quyết định hủy kế hoạch Triển lãm ô tô Việt Nam 2023.
Dấu hiệu khó khăn bắt đầu khi vào tháng 4/2023 doanh số ô tô trượt mốc 30 nghìn xe/tháng, giảm xuống chỉ còn hơn 22 nghìn xe (giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022). Bước sang tháng 5/2023, tình hình còn tệ hơn khi doanh số ô tô giảm đến 52%.
Để vực dậy thị trường, các hãng xe tại Việt Nam đã phải đồng loạt mở các chương trình ưu đãi, giảm giá "sốc". Liên tục từ tháng 5/2023, ngoại trừ các mẫu xe đang ăn khách và có doanh thu tốt, đồng loạt các hãng xe áp dụng các chương trình ưu đãi "khủng" như giảm 50-100% lệ phí trước bạ, tặng bộ phụ kiện, tặng gói bảo hiểm, hỗ trợ lãi suất vay mua ô tô...
Thậm chí, ngay cả khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023 về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, các chương trình ưu đãi của hãng xe và đại lý phân phối vẫn được duy trì. Tuy nhiê,n thị trường vẫn không thể phục hồi.
Một số chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, lượng xe tồn kho cao nên cung vượt cầu. Một số thời điểm, lãi suất thả nổi ở mức khá cao, cùng với đó là chính sách siết tín dụng cho vay mua ô tô khiến việc mua xe trả góp có thời điểm gần như đóng băng.
Tuy sự suy giảm về doanh số ô tô có dấu hiệu chậm lại và dần được cải thiện trong 3 tháng cuối năm 2023 nhưng theo dự đoán, mức sụt giảm doanh số năm nay vào khoảng 30% so với năm trước. Tuy chưa có con số bán xe trong tháng 12 nhưng cơ hội để thị trường vượt mốc 500.000 xe như năm 2022 là điều không thể.
Sự khó khăn của thị trường ô tô năm 2023 được thể hiện rõ khi nhìn vào tình trạng hoạt động của các đại lý. Thị trường ế ẩm nên có những mẫu xe còn được bán dưới mức giá niêm yết và nhiều đại lý phải đánh vật với bài toán giữ chân nhân viên bán hàng (sales).
Xe ế ẩm, hụt thu chục nghìn tỷ
Năm 2023, các nhà phân phối lớn nhất như Savico, Haxaco và City Auto năm 2023 đều phải hy sinh lợi nhuận bởi cuộc đua tăng ưu đãi. Điều này phản ánh rõ nét trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, mức sụt giảm lợi nhuận lần lượt là 94%, 86% và 64% so với cùng kỳ năm 2022.
Chi phí bán hàng và lãi vay tăng, bào mòn lợi nhuận dẫn đến nhiều đại lý lớn phải tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, thậm chí đóng cửa, giải thể công ty con.
Nhà phân phối lớn nhất là Savico đầu tháng 12 công bố giải thể Công ty CP dịch vụ ô tô Cần Thơ, một đại lý mới thành lập chưa đầy hai năm, chuyên bán xe hiệu MG tại Cần Thơ.
Bà Phan Thị Thu Thảo, Giám đốc vận hành Savico cho biết, tình hình kinh doanh ô tô quý III gặp nhiều khó khăn, chi phí để duy trì việc bán hàng tăng cao, trong khi các khoản thu từ bán xe không tăng.
Đối với các địa phương có nhà máy ô tô, sản lượng tiêu dùng ô tô tác động rõ rệt đến nguồn thu ngân sách. Đơn cử tỉnh Quảng Nam, dự báo năm nay hụt thu thuế từ Thaco khoảng 1.459 tỷ đồng so với dự toán (11.445 tỷ đồng), dẫn đến thu nội địa năm 2023 dự kiến không đạt.
Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, địa phương này hụt thu lớn từ Tập đoàn ô tô Thành Công. Trong 10 tháng năm 2023 số thuế đã nộp của Tập đoàn ô tô Thành Công chỉ đạt 6.836 tỷ đồng, trong khi số nộp lũy kế 10 tháng năm ngoái là 10.715 tỷ đồng, hụt thu 10 tháng đầu năm là 3.879 tỷ đồng.
Tương tự, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc trong báo cáo ngày 4/12 cũng cho biết, do sản lượng tiêu thụ ô tô của hai công ty Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam sụt giảm mạnh, chỉ bằng 83,3% dự toán và chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm trước đã tác động lớn đến thu thuế của địa phương. Năm nay, dự kiến thu ngân sách của tỉnh cũng không đạt kế hoạch.
Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 11 sản lượng ô tô lắp ráp trong nước chỉ đạt 308,6 nghìn chiếc, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng xe nhập khẩu giảm mạnh hơn, tới 29,1% về số lượng và 19,2% về giá trị.
Như vậy, ngoài số hụt thu 9.000 tỷ đồng lệ phí trước bạ được Bộ Tài chính ước tính khi triển khai chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước, số hụt thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng mà các hãng xe nộp thay người dùng cũng lên tới chục nghìn tỷ trong năm nay.
Sản lượng tiêu thụ thấp nhất 4 năm qua
Theo số liệu của VAMA và các hãng xe công bố số liệu độc lập, người Việt đã mua sắm tổng cộng 407 nghìn ô tô năm 2020, 410 nghìn xe năm 2021, 504 nghìn xe năm 2022 (mức cao kỷ lục), nhưng năm nay dự báo sản lượng tiêu thụ toàn ngành chỉ 355 nghìn xe (-30%), thấp nhất 4 năm qua.
Nhân viên kinh doanh bỏ nghề
Xác định không có thưởng Tết, không lương tháng thứ 13, anh Bùi Văn Phú (sinh năm 1992, trú tại Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) đành nộp đơn xin tạm nghỉ việc ở một đại lý ô tô tại Hà Nội khi chỉ còn hơn một tháng là đến Tết. Anh dự định tạm nghỉ ít nhất đến tháng 3 năm sau.
Nhiều nhân viên bán ô tô ở loạt đại lý dọc đường Nguyễn Văn Linh, Hà Nội đều than thở, trong hai năm đại dịch họ cũng không đến nỗi khó kiếm khách như năm nay. Rất nhiều người đã nghỉ việc, tìm việc khác.
Theo Báo Giao thông