Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Một ngân hàng chơi lớn, cho vay lãi suất chỉ 0% trong tháng đầu tiên
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa triển khai chương trình 10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho vay, với mức lãi suất trong tháng đầu tiên chỉ 0%.
Mặc dù chỉ áp dụng trong tháng đầu tiên nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy các ngân hàng đang cố gắng đẩy mạnh giảm lãi vay để kích thích tín dụng dịp cuối năm.
HDBank gây "sốc" với mức lãi suất 0% trong tháng đầu tiên
Cụ thể, HDBank tung gói tín dụng 5.000 tỷ đồng có tên "Vay mới đời phơi phới, lãi suất 0%" dành cho khách hàng cá nhân vay mới hoặc khách hàng cá nhân hiện hữu muốn vay thêm.
Theo đó, lãi suất ưu đãi cho gói tín dụng này là 0% trong tháng đầu tiên. Những tháng còn lại sẽ áp dụng mức lãi suất theo quy định hiện hành của HDBank.
Ngoài ra, HDBank cũng triển khai gói ưu đãi với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất 0% trong tháng đầu tiên dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với mục đích chi lương, thưởng dịp cuối năm. Các tháng tiếp theo, khách hàng vẫn được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 6,7%/năm.
Trước HDBank, Sacombank cũng gây chú ý trên thị trường khi triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 3%/năm trong tháng đầu tiên, sau đó tăng dần tùy kỳ hạn vay.
Tại LBBank, nhà băng này mới đây cũng triển khai gói lãi suất ưu đãi 2.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn từ nay tới cuối tháng 6/2024 với lãi suất từ 6,5%/năm.
Hoặc, BVBank cũng vừa triển khai gói vay 3.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất cực ưu đãi từ 5,5%/năm cho khách hàng cá nhân, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giai đoạn cao điểm cuối năm.
Tại Nam A Bank, nhà băng này cũng mới triển khai chương trình ưu đãi cho vay "Hạn mức sẵn sàng - Bứt phá kinh doanh" với lãi suất cho vay từ 8,2%/năm. Gói tín dụng này không áp dụng thu hộ phí định giá tài sản bảo đảm từ bên thứ ba, không phí cam kết rút vốn, không phí quản lý cam kết doanh số tài khoản.
Nam A Bank cũng giảm tối đa 2,8 điểm % cho khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu.
Lãi suất giảm, tín dụng vẫn tăng khá thấp
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 13/12, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 9,87% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Số liệu về tăng trưởng tín dụng trên cho thấy khả năng vay vốn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng vẫn còn yếu. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trên thực tế vẫn còn cao, kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh chưa thực sự khởi sắc nên nhiều doanh nghiệp không muốn vay vốn.
Ở một khía cạnh khác, vẫn có doanh nghiệp muốn vay nhưng lại khó tiếp cận vốn do không còn tài sản bảo đảm, không đáp ứng các quy định của ngân hàng. Bởi, ngân hàng thì sẵn sàng cho hay nhưng không thể hạ chuẩn cho vay.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nguyên nhân tín dụng tăng thấp là do các kênh huy động vốn khác của thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) chưa phát huy hiệu quả. Các kênh này chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế nên nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn vào tín dụng ngân hàng.
Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa, lãi suất cho vay giảm nên còn nhiều dư địa để tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.
Đặc biệt, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả khiến tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện có nhiều dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức thấp, khoảng 10-11%. Theo ông Hiếu, dự báo này là hợp lý, thậm chí tăng trưởng tín dụng ở mức 11% sẽ là khả thi và có thể đạt được, bởi mức 14% là rất khó, nếu không muốn nói là không khả thi.