TỪ CON SUỐI HIỀN HÒA ĐẾN DÒNG NƯỚC HUNG DỮ CUỐN PHĂNG TẤT CẢ

Không ai có thể ngờ rằng, con suối Nặm Păm hiền hòa hằng ngày cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng nghìn người dân nơi đây, chỉ trong một đêm, lũ về đã cuốn phăng tất cả. 

Từ con suối hiền hòa đến dòng nước hung dữ. Hình ảnh: Tư liệu

Chồi xanh sau lũ   - Ảnh 2.

Đây vĩnh viễn là ký ức không thể nào quên đối với những người dân nơi đây. (Ảnh: TTXVN)

BẮT TAY ỔN ĐỊNH ĐIỂM TÁI ĐỊNH CƯ

Con đường đang được làm này vốn là dòng suối Nặm Păm chạy dọc cả xã, nhà cửa hai bên san sát. Lũ đi qua, sau một đêm chỉ còn toàn là đất đá. Những mảnh ruộng bậc thang trên cao ngay lập tức được chính quyền địa phương san gạt và nhanh chóng dựng nhà tiền chế sớm ổn định chỗ ở cho người dân. 

Chồi xanh sau lũ   - Ảnh 4.

Lũ đi qua, sau một đêm chỉ còn toàn là đất đá.

Nhiều hộ mất nhà, nay phải dựng những căn nhà tạm bằng ván gỗ, phủ bạt.

Cả xã Nặm Păm có hơn 800 hộ dân thì có đến gần một nửa bị ảnh hưởng do trận lũ lịch sử. Do khắp nơi ngổn ngang toàn là đá, quỹ đất có hạn nên nhiều hộ dân phải ở xen ghép với nhau. 

Tuy vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền địa phương không những ổn định được nơi ở mà còn cải tạo và chia đều được đất sản xuất cho người dân. Tùy vào quỹ đất từng bản, mỗi hộ cũng được chia từ 50-100m2 đất sản xuất. Nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu khi đó đã đánh giá đó là một nỗ lực thần kỳ.

Chồi xanh sau lũ   - Ảnh 6.

Ông QUÀNG VĂN LOA – Bí thư Đảng ủy xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đánh giá về quá trình tái thiết Nặm Păm.

Tôi có 167 hộ “nhà tiền chế” trong 6 điểm tái định cư. Sau một tuần, chúng tôi ban hành nghị quyết lãnh đạo, xác định các vị trí, điểm ổn định dân cư, vận động bà con nhân dân hiến đất. Về việc này bà con ủng hộ rất là cao, sẵn sàng hiến đất để xây dựng các điểm tái định cư, khu đất sản xuất.

Ông QUÀNG VĂN LOA – Bí thư Đảng ủy xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La

Hua Nặm là bản đầu tiên của xã Nậm Păm đã hoàn thành việc đo đạc, cân đối, phân chia và giao đất nông nghiệp cho người dân. Cả bản có 203 hộ, với diện tích đất trên 30 ha.

Chồi xanh sau lũ   - Ảnh 8.

Những ngôi nhà lắp ghép đang được xây dựng phục vụ tái định cư cho các hộ dân xã Nậm Păm bị mất nhà cửa.

Để việc chia lại đất cho người dân được công bằng, chính quyền xã Nặm Păm đã thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở họp dân nhiều lần và thống nhất chia đất bằng hình thức bốc thăm. Vậy là những thửa ruộng được khôi phục đã được chia đến từng hộ gia đình, khi được chia đất ruộng, người dân yên tâm sản xuất, đầu tư thâm canh,  chính điều này đã góp phần đảm bảo nhu cầu lương thực cho bà con vùng lũ.

Năm Păm quyết định chia lại đất sản xuất cho người dân để ổn định cuộc sống

Quyết định chia lại đất sản xuất cho người dân trên cánh đồng này là một quyết định đúng và trúng, được người dân đồng thuận cao vì đảm bảo tính công bằng. Sau cơn lũ dữ, Nặm Păm  thiếu đất canh tác, nếu không khắc phục cánh đồng lúa thì người dân sẽ đứng trước nguy cơ thiếu đói.

KHÔI PHỤC SẢN XUẤT, ỔN ĐỊNH THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN

Chồi xanh sau lũ   - Ảnh 11.

Sau hơn 3 năm, một số diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, tạo ra những phương thức sản xuất mới cho người dân vùng lũ.

Để đảm bảo sinh kế lâu dài người dân vùng lũ, tỉnh Sơn La đã nhanh chóng ban hành chủ trương về quy hoạch đất trồng cây ăn quả cho người dân vùng lũ, chính quyền huyện Mường La cũng nhanh chóng huy động nhiều nguồn vốn, hỗ trợ triển khai trồng tập trung 147ha cây ăn quả và 55ha cây sơn tra, giao cho các hộ dân. Sau hơn 3 năm, một số diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, tạo ra những phương thức sản xuất mới cho người dân vùng lũ.

Đối với nhiều hộ ở xã Nặm Păm, trước đây chưa quen trồng cây ăn quả, hơn nữa do điều kiện thời tiết và đất đai còn khắc nghiệt, nên việc thay đổi sản xuất gặp không ít khó khăn. Để đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, chính quyền địa phương cũng thường xuyên cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn nhân dân đầu tư, thâm canh chăm sóc cây trồng, đặc biệt là những kỹ thuật mới đối với cây Xoài.

Thâm canh cây ăn quả- Sinh kế lâu dài cho người dân vùng lũ Sơn La.

Có thể khẳng định việc tỉnh Sơn La nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ giống cây ăn quả cho bà con vùng lũ không chỉ góp phần đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân vùng lũ, mà ý nghĩa lớn hơn đó là sự thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp cho bà con, giúp họ được tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, hiệu quả và bền vững hơn. 

Từ sau năm 2018, cùng với xoài, một số diện tích trồng nhãn trên địa bàn xã Nặm Păm bắt đầu cho thu hoạch, mỗi hộ ít nhất cũng thu được 20 triệu/năm, hộ chăm sóc tốt thì được nhiều hơn. Thuận lợi là nhiều thương lái đã chủ động đến thu mua sản phẩm, hỗ trợ bà con nông dân.

THÀNH QUẢ CỦA NGƯỜI DÂN VÙNG CAO SAU LŨ

Cuộc sống mới đang hồi sinh nơi rốn lũ.

Kết quả sau hơn 3 năm quyết liệt chung tay vào cuộc khắc phục hậu quả thiên tai tại Nặm Păm là khôi phục được 123ha diện tích đất nông nghiệp, làm tăng diện tích ruộng từ 34ha năm 2017 lên 154ha năm 2020; tổng đàn gia súc tăng từ 1806 con năm 2017 lên 3008 con năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo từ 69,9% năm 2017, giảm xuống còn 46,24% năm 2020.

Chồi xanh sau lũ   - Ảnh 15.

Ông NGUYỄN VIỆT CƯỜNG - Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La: "Để đạt được kết quả trên, mấu chốt nhất đó là vấn đề lựa chọn cán bộ. Chúng tôi đã lựa chọn các đồng chí cán bộ người địa phương có tâm xuống trực tiếp cơ sở gần với dân để qua đó vừa là tuyên truyền, vận động cũng là hướng dẫn cách làm cụ thể. Qua đó nắm được tâm tư, nguyện vọng cũng như những vướng mắc trong triển khai thực hiện để chúng tôi kịp thời có những thay đổi về cách thức trong quá trình thực hiện. Qua đó khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ rất nhanh, bà con đồng tình ủng hộ cao, huy động được sức dân rất lớn để có thể vượt qua khó khăn."

Màu xanh của những thửa ruộng, những vườn cây ăn trái đã ươm mầm cho những hy vọng nảy nở trên chính những đau thương mất mát.

Trận lũ tại Nặm Păm năm 2017 đã cuốn đi nhiều của cải vật chất và con người  nhưng không thể cuốn đi niềm tin và hy vọng của người dân nơi đây. Khoảng thời gian 3 năm đi qua, một mùa xuân mới lại về, màu xanh của những thửa ruộng, những vườn cây ăn trái đã ươm mầm cho những hy vọng nảy nở trên chính những đau thương mất mát, giúp người dân nơi đây có nghị lực và niềm tin vượt qua những khó khăn trong công cuộc tái thiết sau thiên tai.