Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Ngắm lồng đèn khổng lồ chơi Tết Trung thu có giá tiền triệu ở TP.HCM
Nằm trên đường Trường Sa, quận 3, TP.HCM, xưởng làm lồng đèn cổ của một nhóm người trẻ những ngày qua vẫn sáng đèn, họ miệt mài sáng tạo.
Xưởng lồng đèn do chị Nguyễn Thị Kim Thủy (31 tuổi) làm trưởng nhóm. Chị Thủy cho biết những mẫu như cá chép đơn giản thì vẽ trang trí mất gần cả ngày, riêng những mẫu khó lên đến vài ngày kỳ công để tạo hình và làm nên những chiếc lồng đèn hoài cổ.
Những chiếc lồng đèn khổng lồ hình cá chép được lấy cảm hứng từ tư liệu lồng đèn truyền thống Lý Ngư Hóa Long (cá chép hóa rồng). Lồng đèn có kích thước dài gần 1 mét.
Với lồng đèn cá chép, chị Thủy và những người thợ phải tốn gần 8-9 tiếng để hoàn thiện công đoạn uốn nắn các phần khung, 4-6 tiếng cho đoạn căng giấy màu, công đoạn vẽ màu mất đến nửa ngày để thực hiện.
Ký ức về những chiếc lồng đèn cổ dần phai nhạt. Vì vậy, việc tìm tòi, nghiên cứu hình dáng, đường nét của lồng đèn tốn rất nhiều thời gian. Nhóm phải phỏng dựng chứ không phải phục dựng, chấp nhận một số sai sót do hạn chế của tư liệu lồng đèn cổ.
Chị Thủy cho biết mình xuất thân từ Đại học Kiến trúc TP.HCM, có kiến thức nền tảng kiến thức về mỹ thuật, màu sắc và hình khối nên việc tạo hình và vẽ mỹ thuật không quá khó. Sau khi nhìn thấy lồng đèn của những nghệ nhân xưa, chị bắt đầu nhen nhóm ý định phỏng dựng những chiếc lồng đèn truyền thống và được chồng cùng những người xung quanh ủng hộ.
Ngoài cá còn có lồng đèn cua. Những chiếc lồng đèn này phải kỳ công hơn nhiều so với cá chép. Thời gian làm ra chúng cũng gấp 4-5 lần so với thời gian làm lồng đèn cá. Các công đoạn làm lồng đèn có sự liên kết với nhau, đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ.
Lồng đèn cổ có nhiều kích thước tương ứng những mức giá khác nhau. Trung bình 1 chiếc lồng đèn cá, cua có mức giá từ 3-7 triệu đồng.
Khách hàng mua những chiếc lồng đèn cổ này là những gia đình muốn lưu giữ truyền thống văn hóa, những quán cà phê muốn tô điểm cho mùa trung thu hay những nhà thiết kế, họa sĩ muốn sử dụng những chất liệu truyền thống để sáng tác.
"Nguồn cảm hứng của tôi lấy từ những tác phẩm lồng đèn của nghệ nhân xưa, muốn nhiều người biết được rằng sản phẩm thủ công Việt Nam rất tinh tế và đẹp. Tôi luôn thắc mắc không biết tại sao ngày xưa người ta có thể làm nên những chiếc lồng đèn tinh tế như vậy mà bây giờ gần như lại thất truyền. Tôi muốn phỏng dựng lồng đèn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của Việt Nam", chị Thủy nói.