Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Ngân hàng đón làn sóng tăng vốn, cổ phiếu vua có còn hấp dẫn
Ngân hàng ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn
Ngay từ đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã rục rịch thực hiện kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, BacABank chuẩn bị phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 7,5%. Saigonbank cũng sắp phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 10%. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng NCB, LPBank…
Trong vòng một năm qua, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Dự kiến, tại mùa đại hội đồng cổ đông 2024, sẽ có nhiều ngân hàng TMCP công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn đã công bố kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng này đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
“VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng”, ông Trần Minh Bình đề nghị.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lớn, việc gia cố nền tảng vốn của hệ thống ngân hàng đặc biệt quan trọng. Đây cũng là chủ trương của NHNN. Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của VietinBank, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu trong năm 2024.
Cổ phiếu ngân hàng có nhiều dư địa tăng trưởng
Cổ phiếu ngân hàng hầu như không có cơn sóng nào trong năm 2023, song đã có sự khởi sắc ấn tượng trong những tuần đầu năm 2024. Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam lý giải, sở dĩ giá cổ phiếu ngân hàng tăng đầu năm là do một số yếu tố tích cực, như NHNN phân bổ room tín dụng năm 2024 khá cao, lãi suất cho vay giảm có thể kích thích cầu tín dụng tăng trở lại.
Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, tín dụng năm 2024 có thể tăng 14% chủ yếu nhờ vào khối khách hàng doanh nghiệp ; biên lãi ròng (NIM) có thể phục hồi 9 điểm cơ bản; tăng trưởng thu nhập ròng ngoài lãi tăng khoảng 7%... là những yếu tố giúp lợi nhuận ngân hàng năm 2024 khả quan.
Mặc dù vậy, nợ xấu gia tăng, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khó khăn đang là những rủi ro hiện hữu. Rủi ro suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2024 có thể đến từ những khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực từ cuối năm ngoái và Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2024.
Trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen, các chuyên gia phân tích của SSI Research duy trì quan điểm trung lập đối với cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm 2024 do quá trình củng cố bộ đệm dự phòng tiếp diễn, khiến lợi nhuận toàn ngành chưa thể bứt tốc mạnh mẽ ngay, ngoại trừ một số ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, được cấp room tín dụng cao.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, bức tranh tổng thể của toàn ngành đã xuất hiện những điểm sáng để cổ phiếu của nhóm này xứng đáng được tái định giá ở mức cao hơn. Nhà đầu tư có thể lựa chọn một số nhóm cổ phiếu ngân hàng như nhóm có bộ đệm vững chắc, chiến lược phát triển an toàn, nợ xấu thấp; nhóm những ngân hàng sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, được hưởng lợi nếu lĩnh vực bất động sản hồi phục...
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng vì sóng cổ phiếu ngân hàng thường không kéo dài, cổ phiếu ngân hàng phù hợp với đầu tư trung, dài hạn.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, nhà đầu tư cần nhìn vào kết quả kinh doanh quý I/2024, cũng như mục tiêu lợi nhuận, kế hoạch chia cổ tức ngân hàng năm 2024 để hành động. Bên cạnh đó, khi nhìn nhận sự phục hồi của lĩnh vực ngân hàng, cũng phải quan sát rất kỹ tình hình hồi phục của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.