Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thấu vàng miếng: Chuyển phương án bình ổn là cần thiết
Chuyên gia trang giavang.net Trương Vi Tuấn cho rằng, khi phương án đấu thầu vàng không làm giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới, việc Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu bán vàng miếng là dễ hiểu. Điều này tạm thời dẫn đến nguồn cung bị hạn chế, trong khi sức mua vàng trên thị trường vẫn lớn nên giá vàng miếng sẽ giữ ở mốc cao.
Cộng với việc tỷ giá VND/USD vẫn neo ở mốc khoảng 25.000 đồng trên thị trường tự do, cũng sẽ hỗ trợ tăng giá vàng. Mặt khác, giá vàng thế giới đang trụ vững trên mốc 2.300 USD và tạo mặt bằng giá mới nên việc giảm sâu của vàng thế giới và trong nước là khó xảy ra.
Vị chuyên gia này cho hay, các diễn biến tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn mới là điều cần chú ý. Theo đó, thị trường vẫn tập trung sự chú ý vào việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đang áp dụng, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC) không được nhập, dập vàng miếng. Khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý và trong thời gian qua cũng không phát hành thêm vàng miếng. Vì vậy, nguồn cung vàng miếng bị khan hiếm và giá chênh lệch trong nước và thế giới luôn ở mức cao, trên 15 triệu đồng/lượng.
Trường hợp nếu bỏ độc quyền vàng miếng, các doanh nghiệp khác như PNJ, DOJI được sản xuất vàng miếng, điều này sẽ khiến giá vàng miếng kéo sát lại gần với giá vàng nhẫn, vàng trang sức. Có thể nói, chỉ khi chính sách độc quyền vàng miếng thay đổi mới tạm thời tác động đến giá vàng miếng.
Ngoài ra, xu thế giá vàng nói chung vẫn giữ ở mốc cao khi xung đột chiến tranh đang căng thẳng ở Nga - Ukraine cũng như Israel - Hamas. Tình hình điều hành lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ước khác cũng đang bước vào thời kỳ giảm dần lãi suất. Đặc biệt là sức mua từ các ngân hàng trung ương như Trung Quốc, sức tiêu thụ từ Ấn Độ sẽ tiếp tục nâng đỡ giá vàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết được câu chuyện vàng miếng SJC, chứ không giải quyết được câu chuyện căn cơ là nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp vàng trong nước.
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đấu thầu vàng từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, sau một tháng thực hiện, phương án đấu thầu vàng chưa phát huy hiệu quả. Từ ngày 19/4 đến nay, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, trong đó có 6 phiên thành công với tổng kết quả trúng thầu 48.500 lượng (tương đương hơn 1,8 tấn vàng) được cung ứng ra thị trường. Hai phiên đấu thầu có khối lượng lớn nhất là ngày 16/5 và 23/5, lần lượt 12.300 và 13.400 lượng vàng được đấu thầu thành công.
Hiện nay, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới từ 17-18 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, giá trúng thầu thường cao hơn giá mua vào trên thị trường. Theo đó, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng lên. Điển hình như giá trúng thầu vàng miếng ngày 21/5 cao hơn giá mua vào trên thị trường 920.000 đồng/lượng.
Tình trạng này khiến nhiều ý kiến cho rằng đấu thầu vàng đang làm lực đẩy, khiến giá vàng miếng tăng phi mã. Hiện nay, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới từ 17-18 triệu đồng/lượng. Nếu so sánh với mức chênh lệch ở thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng là 9,53 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã tăng gần gấp đôi.
Trong phiên họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng, giải pháp đầu thầu vàng từ Ngân hàng Nhà nước chưa hiệu quả. Theo các đại biểu, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý cứ sau đấu thầu thì giá vàng lại tăng. Do giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn.
Để bình ổn thị trường vàng trong nước, ngăn chặn thao túng giá, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định các biện pháp hành chính là vô cùng cần thiết; trong đó, thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... là các giải pháp mang tính tình thế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết sẽ tổ chức thanh tra việc hoạt động kinh doanh vàng gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hiện vàng không còn là phương tiện thanh toán, nhưng giá vàng biến động mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Khi lượng tiền lớn trong dân bị "hút" vào vàng sẽ khiến nguồn vốn bị hao hụt, gây bất lợi cho nền kinh tế.
Trước đó, tối 27/5, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ thông báo sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6.
Theo Tin tức