Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Ngành hạt nhựa Việt Nam tạo bất ngờ, khối FDI tiếp tục dẫn dắt
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1 năm nay, Việt Nam đạt doanh thu hơn 268 triệu USD từ xuất khẩu 254.683 tấn chất dẻo - hạt nhựa, tăng 33,8% về lượng và 33,9% về trị giá so với tháng 12/2023 nhưng đến 114,4% về lượng và 91,3% về trị giá so với tháng 1/2023.
Ba thị trường nhập khẩu nhiều chất dẻo nhất từ Việt Nam là Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ. Số liệu tháng 1/2024 cho thấy xuất khẩu sang Indonesia đạt 64.476 tấn với trị giá hơn 67,8 triệu USD, tỷ trọng 25%. Trung Quốc đứng nhì với 43.591 tấn (kim ngạch 36,6 triệu USD) và Ấn Độ là 19.134 tấn và hơn 20,1 triệu USD.
Theo số liệu thương mại, Việt Nam thu về hơn 2,1 tỷ USD từ xuất khẩu chất dẻo - hạt nhựa trong năm 2023, giảm 6,1% về kim ngạch so với năm 2022.
Chất dẻo gồm nhiều loại hạt nhựa là nguyên liệu quan trọng được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng, phục vụ đời sống con người cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế như điện, điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp... Chất dẻo cũng đã trở thành vật liệu hiện đại thay thế cho những loại truyền thống như gỗ, kim loại, silicat…
Lĩnh vực hóa chất hiện đại này đã ghi nhận nhiều dòng vốn đầu tư khủng từ các đại bàng FDI như tập đoàn SCG hàng đầu Thái Lan (chủ đầu tư dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn ở Vũng Tàu với tổng vốn đăng ký 5,4 tỷ USD), tập đoàn Hyosung thuộc nhóm lớn nhất nhì Hàn Quốc và tập đoàn hóa chất đa quốc gia Stavian với dự án hóa dầu 1,5 tỷ USD Stavian Quảng Yên ở Quảng Ninh.
SCG bắt đầu chạy thử nghiệm tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) cuối tháng 12/2023 và cũng đã hoàn thành thử nghiệm để vận hành thương mại trong tháng 1 này. Với diện tích đất sử dụng tới 464 ha chưa tính mặt nước, đây cũng là dự án FDI lớn nhất về vốn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, được xếp vào dự án trọng điểm quốc gia, khởi công xây dựng trong tháng 2/2018.
Nhân viên làm việc tại Trung tâm điều hành Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu
Khi tổ hợp đi vào hoạt động ổn định sẽ cung cấp khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin và 1,35 triệu tấn olefin mỗi năm. Đây là các loại nguyên liệu dùng sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Theo chủ đầu tư, vận hành thương mại của LSP sẽ tạo việc làm ổn định cho 1.000 lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, khi đưa vào khai thác, tổ hợp hóa dầu lớn này được kỳ vọng tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì và các ngành dịch vụ khác của Bà Rịa-Vũng Tàu và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến nay, tập đoàn Hyosung đã đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD vào dự án công ty hóa chất Hyosung Vina (tổ hợp nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG) tại Khu công nghiệp Cái Mép, Thị xã Phú Mỹ. Công suất là 650.000 tấn nhựa PP mỗi năm. Nguyên liệu đầu vào để làm PP chính là khí hóa lỏng.
Đối với LPG, tổ hợp bao gồm cảng tiếp nhận tàu chở LPG trọng tải 60.000 tấn và kho ngầm LPG (nằm ở độ sâu từ 110m đến gần 200m so với mực nước biển, chiều dài gần 5km) với sức chứa 240.000 tấn.
Hiện nay, Hyosung đang xây dựng nhà máy sản xuất sợi carbon quy mô lớn tại KCN Phú Mỹ 2 cũng tại thị xã Phú Mỹ, và dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2025. Dự kiến của Hyosung là sẽ đầu tư tổng cộng hơn 1 tỷ USD để sản xuất sợi carbon tại đây.
Vốn đầu tư của Hyosung tại Việt Nam đang tiếp tục tăng. Tại tọa đàm về cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam gày 17/1 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì nhân việc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024 tại Thụy Sĩ, ông Cho Huyn-sang, Phó chủ tịch Hyosung, cho biết tập đoàn của ông có kế hoạch bơm thêm 2 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay.
Đối với tập đoàn hóa chất đa quốc gia Stavian, nhà máy Stavian Quảng Yên chính thức nhận các giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ hóa dầu sản xuất nhựa PP trong tháng 9/2023.
Stavian cho biết với quy mô sản xuất 600.000 tấn hạt PP/năm, dự án sẽ áp dụng các công nghệ bản quyền tiên tiến nhất thế giới của công ty Honeywell UOP (Mỹ) và công ty Basell Poliolefine Italia (Ý) vào sản xuất.
Bên cạnh công nghệ hiện đại, Stavian Quảng Yên sẽ sử dụng trang thiết bị công nghệ cao, tự động hóa và thân thiện với môi trường được nhập khẩu trực tiếp từ các nước khối EU và G7, đồng thời ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cao nhằm tiết kiệm và tối ưu hóa sử dụng nguồn nước trong hoạt động sản xuất hóa dầu, đảm bảo tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Tháng 11/2023, Stavian cho biết đã thành lập Công ty cổ phần Nhựa tái chế Stavian để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy thựa tái chế Stavian (Stavian Recycling) tại tỉnh Thái Bình nhằm phát triển kinh doanh tái chế nhựa và các giải pháp quản lý chất thải an toàn và bền vững.