Cụ thể hóa chế độ, chính sách đối với đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã  - Ảnh 1.

Thiên tai năm 2020 đã khiến 357 người chết, mất tích; tổng thiệt hại về kinh tế lên đến gần 40 nghìn tỷ đồng, đồng thời gây đình trệ các hoạt động kinh tế xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh kế, sức khỏe con người.

Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, đã giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Người dân Lệ Thủy vật vã sinh tồn trong mùa mưa lũ lịch sử năm 2020. Ảnh: Trọng Hiếu.

Một trong những lực lượng đóng góp công sức to lớn trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai phải nói đến các Đội xung kích Phòng chống thiên tai tại chỗ cấp xã. Lực lượng này có vai trò nòng cốt thực hiện phương châm "4 tại chỗ" ở cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cụ thể:

- Trước mưa, bão, lũ, lượng xung kích PCTT cơ sở đã mang theo loa di động, dùng phương tiện cá nhân đến khắp các địa bàn khu dân cư để phát đi bản tin cảnh báo bão và cách ứng phó trong trường hợp nguy hiểm.

- Đêm 28/10/2020, tại xã Trà Leng (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra, khiến hơn 50 người dân bị vùi lấp. Đội xung kích tại chỗ ngay lập tức phối hợp lực lượng vũ trang đào bới bùn đất, cứu sống nhiều người và khẩn trương sơ cấp cứu những trường hợp bị thương.

Đội xung kích Phòng chống thiên tai tại chỗ xã Trà Leng hỗ trợ cơ quan chức năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Ảnh: Ban chỉ đạo PCTT tỉnh Quảng Nam.

- Trước đó, tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam), hoàn lưu mưa từ cơn bão số 5 đã gây sạt lở, vùi lấp khu nội trú của học sinh Trường THCS Võ Chí Công. Dưới cơn mưa lớn, vượt mọi điều kiện khắc nghiệt, ngặt ngèo do đường sá bị sạt lở nhiều đoạn, đội hình xung kích của mười xã trên địa bàn huyện đã khẩn trương tiếp cận đưa 117 học sinh về trung tâm huyện an toàn cách đó hơn 40 km.

- Trong thời tiết bất lợi, thiên tai khốc liệt, lực lượng xung kích đã gùi, cõng hàng hóa vượt núi từ xã Phước Kim tiếp tế lương thực cho 3.000 hộ dân của 2 xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) bị cô lập.

- Ngoài ra, lực lượng xung kích cơ sở còn hỗ trợ, giúp người dân nhanh chóng sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh trường học, cơ sở y tế, thông tuyến các đoạn đường giao thông bị chia cắt...; tham gia cải tạo đồng ruộng, tái thiết sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân vùng bị thiên tai.

Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau mưa bão. Ảnh: Văn Ngọc. 

Việc thành lập Đội Xung kích Phòng chống thiên tai ở các địa phương đã đem lại hiệu quả rất tích cực. Tuy nhiên, do thiếu chế độ, chính sách và kinh phí để hoạt động; Quyền lợi các thành viên những năm qua chưa được đảm bảo dẫn tới một số bất cập khi Đội xung kích được thành lập, cụ thể:

+ Lực lượng xung kích hoạt động không đồng đều, có nơi phát huy hiệu quả tốt, có nơi chỉ tồn tại mang tính hình thức, hiệu quả hoạt động hạn chế;

+ Không có kinh phí để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng về phòng chống thiên tai;

+ Phương tiện, trang thiết bị thiếu, bị xuống cấp, không phù hợp khi có thiên tai xảy ra do không có kinh phí cũng như cơ chế chính sách để mua sắm, trang bị;

+ Lực lượng xung kích không được hỗ trợ tiền công khi tham gia hoạt động phòng chống thiên tai.

Trả lời phóng viên Báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng: "Việc Chính phủ ban hành Nghị định 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/202 trong đó quy định chế độ, chính sách cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã tạo hành lang pháp lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi xây dựng, huy động lực lượng xung kích trong thời gian qua."

Cụ thể hóa chế độ, chính sách đối với đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã  - Ảnh 4.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2021 về việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở.


Cụ thể hóa chế độ, chính sách đối với đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã  - Ảnh 4.

Cụ thể, người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập được hưởng trợ cấp ngày công lao động như sau:

- Đối với người được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập: Mức trợ cấp theo ngày được huy động không thấp hơn 59.600 đồng; đối với người được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai: Mức trợ cấp ngày công lao động mỗi người mỗi ngày không thấp hơn 119.200 đồng. Nếu huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào ban đêm (từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau) được tính gấp đôi mức trợ cấp quy định.

- Khi tập trung, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về như cán bộ, công chức cấp xã; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do UBND tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 57.000 đồng. Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.

Đội xung kích phòng chống thiên tai xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai hỗ trợ các hộ dân trước khi xảy ra mưa lũ. Ảnh Văn Ngọc.

- Người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe.

- Trường hợp người lao động hợp đồng trong thời gian tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định. Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

- Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, công an xã được huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

- Về mức hưởng cho người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương: Chi phí khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ. Trong thời gian điều trị nội trú được bảo đảm tiền ăn bệnh lý. Trường hợp người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đang điều trị nội trú, nhưng hết thời gian làm nhiệm vụ thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu hết 15 ngày bệnh vẫn chưa ổn định thì điều trị đến khi ổn định và được thanh toán 100% tiền khám, chữa bệnh.

Cụ thể hóa chế độ, chính sách đối với đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã  - Ảnh 6.

Đội Xung kích Phòng chống thiên tai tại chỗ đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020. Ảnh: Trọng Hiếu.

- Đối với mức hưởng cho người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, bị chết, trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng như quy định tại khoản 2 Điều này kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Trường hợp tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 7.450.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng.

- Trường hợp bị chết, bị tai nạn dẫn đến chết thì thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 53.640.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng. Trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 7.450.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng.

Nghị định 66/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/8/2021; thay thế Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/ 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; bãi bỏ Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 và Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/1/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Thực hiện: Phương Nga - Duy Hải