Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Nhà đầu tư nước ngoài "đổ bộ" vào nhiều phân khúc bất động sản, cần thêm giải pháp thu hút nguồn lực
Chuyên gia JLL Việt Nam cho rằng bất động sản Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai thu hút FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Thực tế, vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã "đổ bộ" và gặt hái nhiều thành công tại thị trường Việt Nam như VSIP, Gamuda Land, Keppel Land, Keppel Corporation, CapitaLand…
Trong khi đó, khảo sát "Ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024" của CBRE, Việt Nam đứng thứ hai trong số các thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất về chiến lược đầu tư cơ hội và giá trị gia tăng.
Theo chuyên gia CBRE, hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều tập trung chú ý vào bất động sản công nghiệp và văn phòng. Theo đó, nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển, tạo nhu cầu mạnh cho việc quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần hiệu quả. Các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng từ những động lực này nên rất quan tâm đến bất động sản công nghiệp.
Ngoài bất động sản thương mại, đất dự án phát triển nhà ở tại Việt Nam tiếp tục thu hút các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các tài sản giảm giá hoặc tài sản thuộc sở hữu của chủ đất đang phải đối mặt với những khó khăn pháp lý hoặc nguồn vốn. Xu hướng này nêu bật khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của phân khúc nhà ở tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phạm Anh Duy - Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam, nhận định: "Nhà đầu tư có tầm nhìn dài về tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam và sẵn sàng đầu tư vốn có thể hưởng lợi ngay từ chu kỳ điều chỉnh giá vừa qua. Điều này đặc biệt đúng với hiện trạng, khi bên mua được hưởng lợi từ các bên bán là nhà đầu tư hiện hữu trên thị trường đang cần thoái vốn sau khi đã nắm giữ vận hành tài sản đủ một thời gian nhất định".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đa số các doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào thị trường chỉ khi dự án đã hoàn tất các bước pháp lý cơ bản như đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó như hiện nay, các nhà đầu tư chỉ yên tâm tập trung vào các phân khúc chuẩn chỉnh pháp lý.
Do đó, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần sớm đưa ra những giải pháp để thu hút nguồn lực. Đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tất cả phân khúc bất động sản như bán lẻ, văn phòng, khu công nghiệp, nhà ở… Đồng thời, cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt pháp lý, cũng như khơi thông dòng vốn, giúp thị trường sớm ổn định và phát triển.