Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Nhiều doanh nghiệp niêm yết tiếp tục giảm vốn Nhà nước
SCIC vừa thông báo danh sách thoái vốn đợt 2/2024 với 31 doanh nghiệp. Nhiều cái tên có cổ phiếu đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán như Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (mã: NTP), Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã: HGM), Công ty cổ phần FPT (mã: FPT), Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (mã: VGV), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã: AGF)…
Tại FPT, SCIC còn sở hữu 5,8% vốn, tương đương 63,5 triệu cổ phiếu. Mã chứng khoán FPT có đà tăng giá mạnh mẽ thời gian qua và đang giao dịch ở vùng giá đỉnh lịch sử 134.500 đồng/cp, tăng 23% trong vòng một tháng. Tạm tính theo giá này, SCIC có thể thu về hơn 8.500 tỷ đồng.
SCIC sở hữu 37,1% vốn Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, tương đương với 48 triệu cổ phiếu. Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong cùng Nhựa Bình Minh (mã: BMP) là 2 doanh nghiệp nhựa lớn trên sàn chứng khoán, trong khi Nhựa Bình Minh đã về tay người thái thì NTP cũng có cổ đông ngoại ngấp nghé là Sekisui Chemical Co., Ltd đến từ Nhật Bản.
Cổ phiếu NTP có đà tăng giá tốt trong vòng 1 tháng qua từ vùng 38.500 đồng/cp lên 42.800 đồng/cp. Theo đó, giá thị trường của lô cổ phiếu NTP thuộc sở hữu SCIC có giá 2.054 tỷ đồng.
Vào tháng 3, tổng công ty cũng công bố danh sách thoái vốn đợt 1 với 27 cái tên, cũng có nhiều công ty trên sàn như Domesco (mã: DMC), Vinacontrol (mã: VNC), Sách Việt Nam (mã: VNB), Seaprodex (mã: SEA)… Trong đó, SCIC mới thoái vốn thành công tại Vinacontrol và đang thực hiện bán vốn tại Sách Việt Nam.
Năm nay, tổng công ty được giao chỉ tiêu doanh thu 8.886 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.511 tỷ đồng.
Trong năm 2023, SCIC đạt 5.266 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 88% so với 2022. Lợi nhuận chủ yếu đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia và lãi tiền gửi, đầu tư trái phiếu, trong khi hoạt động bán vốn chỉ đem về 116 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2022.
Theo tạp chí nhadautu.vn