Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Nhiều tên tuổi điện tử, công nghệ cao thế giới tiếp tục gọi tên Việt Nam
Làn sóng các "ông lớn" ngành điện tử và công nghệ cao thế giới mở rộng sản xuất tại Việt Nam tiếp tục lan rộng. Với hơn 1 tỷ USD vừa đăng ký thêm cho nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh, Amkor (trụ sở chính tại Mỹ) nhằm phục vụ mục tiêu sẽ sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm của Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C.
Theo bà Susan Kim, Phó Chủ tịch Amkor Technology, việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam nằm trong kế hoạch chiến lược kinh doanh toàn cầu của tập đoàn. Amkor Bắc Ninh sẽ trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Amkor trên toàn cầu trong thời gian tới và tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam.
Foxconn, một tên tuổi khác của thế giới và là nhà cung cấp chính cho Apple Inc., vừa nhận giấy phép tăng thêm 551 triệu USD vốn đầu tư vào 2 dự án sản xuất mới tại Quảng Ninh, nâng tổng số vốn của Foxconn tại tỉnh này lên 1 tỷ USD.
Theo thông tin từ tỉnh Quảng Ninh, dự án đầu có vốn đầu tư 263,7 triệu USD; nhà máy với diện tích 21,5 ha trong Khu công nghiệp Sông Khoai của nhà đầu tư Amata từ Thái Lan. Nhà máy chuyên sản phẩm giải trí thông minh với công suất thiết kế của nhà máy 4,18 triệu sản phẩm/năm.
Dự án thứ hai sẽ sản xuất thiết bị hệ thống thông minh tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (chủ đầu tư là công ty Deep C, vốn đầu tư từ Bỉ). Với công suất thiết kế 8,78 triệu sản phẩm/năm, nhà máy với diện tích 12,4 ha nhận vốn 287,2 triệu USD từ Foxconn – nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện tử.
Website của tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh sẽ thành lập tổ công tác để giúp Foxconn đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành xây dựng các nhà máy vào tháng 9/2025.
Đây là những dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư, phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn mới, là các dự án thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.
Tháng 6 năm nay, Foxconn rót thêm 52,6 triệu USD vào một dự án tại tỉnh Bắc Giang, nâng tổng vốn đầu tư lên 382,6 triệu USD cho nhà máy sản xuất mạch điện tử (PCB) trong khu công nghiệp Vân Trung.
Trùng thời điểm đầu tháng 7 này, LG Hàn Quốc cho biết tập đoàn sẽ mở rộng đầu tư để tăng gấp đôi công suất nhà máy LG Innotek ở Hải Phòng, hình thành tổ hợp sản xuất khép kín tại Việt Nam.
Ông Jeong Cheol-dong, Giám đốc điều hành LG Display, cho biết thông tin trên khi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Seoul ngày 3/7. Ông Jeong nói Việt Nam là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu của LG, với số vốn đã giải ngân hơn 5 tỷ USD.
Năm 2023, LG bổ sung thêm 1 tỷ USD để tăng sản xuất linh kiện điện tử, module máy ảnh trên điện thoại thông minh tại nhà máy LG Innotek ở Hải Phòng. Sau khi hoàn thành, nhà máy này sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất.
Nhà máy LG Innotek của tập đoàn điện tử và công nghệ LG tại Hải Phòng. Nguồn: LG
Như vậy, tổng vốn đầu tư đầu tư đăng ký tại Việt Nam của LG đã hơn 8 tỷ USD. Hải Phòng được LG chọn làm cứ điểm sản xuất bên ngoài Hàn Quốc với 3 nhà máy quy mô lớn. Ông lớn này cũng vận hành 2 trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) đặt tại Hà Nội và Đà Nẵng với hơn 1.000 kỹ sư.
Samsung cũng cho biết lượng vốn mới được tập đoàn bổ sung vào Việt Nam hằng năm trong giai đoạn hiện nay là 1 tỷ USD. "Đại gia" công nghệ Hàn Quốc này cũng đang vận hành 1 trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cơ sở này cũng phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển cho Samsung trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, Samsung đến nay đã đầu tư 22,4 tỷ USD với số lao động khoảng 90.000 người. Năm 2023, Samsung Việt Nam xuất khẩu 55,7 tỷ USD.