NÔNG SẢN LÊN SÀN: Thạch “đá” và chuyến tàu chuyển đổi số trong nông nghiệp trên mảnh đất Đà Lạt - Ảnh 1.

Anh Phạm Ngọc Thạch sinh ra và lớn lên ở huyện Tiên Phước, một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Nam. Vì nhà nghèo, lại đông anh em, nên anh Thạch "trường kỳ vất vả" từ tuổi thơ cho đến đại học. Chính những khó khăn ấy, đã khiến anh đau đáu giấc mơ và quyết tâm phải làm giàu để giúp mình, giúp gia đình và xã hội bằng chính sức lực của mình.

Anh Phạm Ngọc Thạch và vườn rau của HTX Sunfood Đà Lạt.

Năm 2016, trong một lần đi công tác tại Đà Lạt, anh Thạch đã tìm được hướng đi của cuộc đời mình. Anh Thạch kể lại: "Đến được với rau, củ, quả như hiện nay, phải nói tôi đã rất vất vả. Năm 2016, tôi làm việc cho một công ty phân bón ở TP.Hồ Chí Minh. Khi đó, tôi đến Lâm Đồng làm thị trường và có đến huyện Đức Trọng. Tôi dừng chân trước một vựa ra, từ khoảng 12 giờ đến 14h chiều tôi đếm đã có khoảng 17 chiếc xe 15 tấn chở rau đi tiêu thụ. Tôi nghĩ nếu cuộc đời mình có 1 chiếc xe 15 tấn, 1kg rau bán được 1.000 đồng thì mỗi tháng mình có 450 triệu đồng. Vậy tại sao mình phải đi làm kinh doanh lương cơ bản 35 triệu đồng/tháng".

NÔNG SẢN LÊN SÀN: Thạch “đá” và chuyến tàu chuyển đổi số trong nông nghiệp trên mảnh đất Đà Lạt - Ảnh 1.

Nghĩ là làm, sau quá trình huy động vốn, tìm hiểu thị trường, tháng 7/2017, anh Thạch đã thành lập HTX Sunfood Dalat Co.op. Ngay từ ngày đầu thành lập, anh Thạch đã định hướng xây dựng khu chuyển giao công nghệ và tìm hướng đi riêng để giải quyết đầu ra cho các sản phẩm.

Khi đó, HTX Sunfood Dalat Co.op xác định và thực hiện đầy đủ 4 yếu tố cốt lõi để nâng tầm thương hiệu của mình gồm: chất lượng các loại rau được nâng cao thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại cập nhật vào sản xuất; dịch vụ đa dạng và không ngừng cải tiến; giá cả tiêu thụ cạnh tranh tích cực; cam kết bồi thường bảo hiểm mức cao nhất nếu người tiêu dùng sử dụng các loại rau Sunfood không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Video: Phạm Ngọc Thạch - Người đàn ông giám ước mơ, dám thực hiện. 

NÔNG SẢN LÊN SÀN: Thạch “đá” và hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp trên mảnh đất Đà Lạt - Ảnh 4.

Trong suốt nhiều năm tiếp xúc với thương trường, anh Thạch hiểu rõ hơn ai hết: "Thực tế đi vào làm rất khó khăn, bởi HTX Sunfood Dalat Co.op "sinh sau đẻ muộn" nên câu chuyện nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm gặp phải sự cạnh tranh không hề nhỏ". Tuy vậy, với niềm tin vào bản thân và sự đồng lòng của các thành viên trong hợp tác xã, Sunfood Dalat Co.op vẫn kiên quyết đi theo con đường của riêng mình.

Từ những bước đi đầu tiên, Sunfood Dalat Co.op định hướng xây dựng mạng lưới liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con để nhằm ổn định đầu ra cho người nông dân. Bên cạnh đó, HTX chú trọng làm thị trường theo mô hình mở điểm bán nhượng quyền thương hiệu nhằm kêu gọi được nhiều người cùng hợp tác với mình. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX cũng tận dụng mạng lưới kinh doanh online, giúp người tiêu dùng không phải ra chợ mà được nhận rau sạch tại nhà. 

NÔNG SẢN LÊN SÀN: Thạch “đá” và hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp trên mảnh đất Đà Lạt - Ảnh 5.

Trong chuỗi liên kết của HTX, bà con sẽ được cung ứng vật tư, hạt giống, cây giống, được hỗ trợ kỹ sư hướng dẫn, theo dõi quy trình sản xuất cho từng loại sản phẩm và cam kết bao tiêu đầu ra. Phân bón cũng được HTX cung cấp và cho bà con nợ lại đến 70% chi phí, khoản nợ sẽ được trả sau khi thu hoạch. Không những vậy, HTX còn bảo lãnh cho bà con vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Năm 2020, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng với hướng đi đúng đắn của mình, HTX Sunfood Đà Lạt không ngừng mở rộng quy mô và tuyển dụng thêm hàng chục lao động, nâng tổng số lao động HTX lên 34 lao động với quỹ lương bình quân hơn 250 triệu đồng mỗi tháng. 

Hằng năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn gồm 70 loại rau, củ, quả an toàn.

Đặc biệt, HTX còn đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng khu trải nghiệm du lịch canh nông rộng 12.000 m2, nhà hàng buffet rau có sức chứa 500 thực khách ngay tại trung tâm TP.Đà Lạt để khép kín quy trình làm rau của mình. Du khách có thể đến khu sản xuất để trải nghiệm việc sản xuất, tự tay làm đất, trồng, chăm sóc, tham quan, tìm hiểu việc sản xuất rau an toàn trồng trong nhà kính, nhà lưới và ngoài trời của HTX, rồi lên nhà hàng ăn rau, nếu thấy thích thì ghé lại cửa hàng trưng bày mua rau mang về. 

Riêng học sinh không chỉ được tham quan mà còn có thể tự trồng rau rồi đặt lên kệ được đánh dấu riêng, để lại HTX chăm sóc, đến khi cây trưởng thành thì thu hoạch, đưa về tận trường cho các em làm thực phẩm hằng ngày. Quy trình này có camera ghi lại, khách hàng có thể xem hằng ngày việc chăm sóc và sự sinh trưởng phát triển của cây.

Video: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu giúp nông dân phát triển bền vững.

Lựa chọn cho mình lối đi riêng, HTX Sunfood Đà Lạt đã có bước tiến thần tốc và vững chắc, khi từ 5 ha sản xuất ban đầu với 15 cửa hàng phân phối sản phẩm thì đến nay diện tích sản xuất đã tăng lên 70 ha với gần 200 cửa hàng phân phối ở hầu khắp các tỉnh, thành trong nước. Hằng năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn gồm 70 loại rau, củ, quả an toàn với mức giá từ 20.000 - 60.000 đồng/kg, mang về doanh thu hàng chục tỉ đồng. 

NÔNG SẢN LÊN SÀN: Thạch “đá” và hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp trên mảnh đất Đà Lạt - Ảnh 7.

Là một giám đốc hợp tác xã, anh Thạch không chỉ năng động, tìm ra hướng liên kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân trong vùng. Với tư tưởng đổi mới, thường xuyên ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, anh Thạch không chỉ làm giàu cho bản thân, cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân và có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

NÔNG SẢN LÊN SÀN: Thạch “đá” và hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp trên mảnh đất Đà Lạt - Ảnh 8.

Không chỉ tích cực đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội tại địa phương, HTX Sunfood Đà Lạt còn chủ động tổ chức các chương trình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông học cho nhiều tổ chức, cá nhân trong nước; là điểm đến thực tập nông nghiệp CNC cho sinh viên một số trường đại học. HTX cũng đã đón nhiều đoàn khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan… đến thăm và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hợp tác làm ăn.

Video: Mô hình của anh Phạm Ngọc Thạch là một mô hình tiêu biểu cho việc ứng dụng chuyển đổi số thành công. 

Sau 5 năm thành lập, đến nay Sunfood Dalat Co.op đã phát triển rất nhanh chóng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Sunfood Dalat Co.op tại thời điểm năm 2017 liên kết 17 thành viên sản xuất 10 ha, sản lượng tiêu thụ 67 tấn rau các loại thì đến năm 2018 các con số này tăng lên đến 37 thành viên, 30 ha và 200 tấn. Qua năm 2019 tăng vượt trội lên 50 thành viên, 40 ha và 720 tấn. Năm 2020 số thành viên 121 người, canh tác 60 ha, tiêu thụ 1.080 tấn rau các loại. Năm 2021 vừa qua, tiếp tục tăng lên tổng cộng 210 thành viên, 150 ha sản xuất, 3.600 tấn rau tiêu thụ.

NÔNG SẢN LÊN SÀN: Thạch “đá” và hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp trên mảnh đất Đà Lạt - Ảnh 9.

Anh Phạm Ngọc Thạch là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Năm 2022, anh Phạm Ngọc Thạch là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Để đạt được thành tựu này, ngoài sự nỗ lực không ngừng của anh cùng với các thành viên trong HTX. Ở đó còn là sự dũng cảm, quyết tâm, dám nghĩ dám làm của một người nông dân chân chính và tình yêu bền vững với nền nông nghiệp nước nhà.

Hãy theo dõi chương trình Nông sản Lên sàn vào lúc 10h30' thứ 7 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media, fanpage Nông Sản Lên Sàn và kênh Youtube Nông Sản Lên Sàn để biết thêm những sản phẩm nông sản đặc sắc của nông dân Việt Nam.
Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: nongsanlensan.danviet@gmail.com

 Thực hiện: Phương Nga - Bích Ngọc - Hà Tuấn