NSƯT Tuấn Hải dựng lại vở “Bệnh sĩ”: Nông dân sẽ thấy mình trong đó...

Thứ ba, ngày 01/04/2014 07:39 AM (GMT+7)
Dù tất bật chuẩn bị cho ngày ra mắt vở kịch “Bệnh sĩ” vào đầu tháng 4.2014, đạo diễn, NSƯT Tuấn Hải vẫn dành thời gian chia sẻ về vở kịch sắp được công diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam.
Bình luận 0
Đã làm rất nhiều vở kịch trước đó như “Bản danh sách điệp viên”, “Người mắc bệnh tâm thần”, “Chia tay hoàng hôn”, “Biển và bờ”, “Cải lão hoàn đồng”… nhưng đây là lần đầu tiên anh dựng kịch của Lưu Quang Vũ. Cơ duyên nào đưa anh đến với kịch bản “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ?

NSƯT Tuấn Hải
NSƯT Tuấn Hải

- Sau liên hoan những tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ, chúng tôi đọc lại và thấy “Bệnh sĩ” vẫn là một kịch bản hay, và tôi tự hỏi, tại sao mình lại không làm? Bên cạnh những vở kịch luận đề, chống tham nhũng, sự xuống cấp của đạo đức con người, thì “Bệnh sĩ” là một chất khác hẳn, một không khí tươi mới, chất hài để phê phán những hiện tượng tiêu cực, những vấn đề nóng bỏng của xã hội ngày nay. Vì vậy Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định dựng lại vở kịch “Bệnh sĩ”.

Anh có thể chia sẻ về vở kịch “Bệnh sĩ”?

- “Bệnh sĩ” là tác phẩm sân khấu cuối cùng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, trước đây đã được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn rất thành công. Có thể khẳng định những vấn đề trong vở kịch, những bài học được anh Lưu Quang Vũ dự báo cách đây gần 30 năm, đến ngày hôm nay vẫn vô cùng nóng bỏng và sắc bén, vẫn mang tính thời sự của xã hội hiện tại. “Bệnh sĩ” lên án bệnh háo danh, bệnh thành tích, rởm đời, sĩ diện và cao hơn nữa là thói giả dối, thiếu trung thực, ngày càng phát triển tràn lan trong xã hội.

Vở kịch “Bệnh sĩ” trên sàn tập của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Vở kịch “Bệnh sĩ” trên sàn tập của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Không chỉ mang tính thời sự, kịch của Lưu Quang Vũ luôn hài hước, dí dỏm, “Bệnh sĩ” vẽ nên một bức tranh nông thôn của Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.

Khi mà cả xã hội đang loay hoay tìm hướng phát triển thì một số người từ nhận thức, tư suy cũ kỹ nóng vội dẫn đến sai lầm, khiến người ta đi chệch con đường, dẫn tới dối trá, thiếu trung thực.

Khi nói về đề tài nông thôn, Nhà hát Kịch Việt Nam có ý định sẽ đưa vở diễn về các tỉnh để chính những người nông dân được biết về họ, được thưởng thức?

- Tất nhiên rồi, địa bàn biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam rất rộng, vì vậy, chắc chắn sẽ phục vụ được cả bà con ở các miền quê. Vì là đề tài về nông thôn, nên những người nông dân sẽ thấy mình trong đó. Nhưng ngoài ra, những người thành thị khi xem cũng sẽ giật mình, bởi rõ ràng Lưu Quang Vũ nói đến bệnh thành tích, bệnh giả dối không chỉ có ở một miền quê, mà đây là bệnh chung của xã hội. Trong kịch có những đoạn lời thoại rất hay và sâu sắc : “Ô hay, có phải mình mày nói dối đâu, cả xã nói dối, cả huyện nói dối, cả nước đang nói dối. Cho nên mày hãy dối một lần cho tao nhờ…”. Chúng tôi vẫn giữ nguyên những lời thoại trong kịch bản, cố gắng để làm sao các diễn viên diễn có thể diễn trung thực nhất, để khán giả thấy đây là bức tranh nông thôn đang mở ra trước mắt. Nó dí dỏm, nó đau khổ, nó quằn quại, một xã hội đang loay hoay tìm hướng.

Chúng tôi may mắn có được nền tảng tốt từ vở kịch, thì giờ đây làm sao để sau khi xem xong, khán giả đã yêu quý Lưu Quang Vũ rồi thì càng yêu quý Lưu Quang Vũ hơn.

Mặc dù những vấn đề trong “Bệnh sĩ” đưa ra vẫn là những vấn đề nóng hổi của ngày hôm nay, thế nhưng, là đạo diễn, anh có thêm, bớt, hay làm mới cho vở kịch “Bệnh sĩ” của hiện tại?

- Theo tôi, cũng giống như món ăn vậy, mỗi người đều có khẩu vị khác nhau. Bởi vậy mỗi một đạo diễn sẽ có một cách khai thác, nhìn nhận và giải thích kịch bản theo cách riêng của mình. Trong vở kịch “Bệnh sĩ” lần này, tôi đã khai thác và nhấn mạnh theo hướng hài hước, dí dỏm, một trong những lớp kịch đó là nhân vật trợ lý Văn Sửu (nghệ sĩ Xuân Bắc) và 5 cô gái đi mua lông gà, lông vịt. Đây sẽ là những món gia vị, điểm xuyết trong vở kịch, để khán giả cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi xem, bên cạnh đó vẫn tôn lên được chủ đề chính của vở, đó là bệnh sĩ.

Cùng với 2 tuyến kịch, một là những nhân vật lạc hậu, đi theo bệnh thành tích, háo danh và sĩ diện… và một tuyến kịch là những nhân vật tích cực, những thanh niên tiên tiến đấu tranh với sự giả dối thiếu trung thực. Tôi sẽ sử dụng 2 lực lượng đối lập, luôn luôn đối chọi với nhau.

Tính tư tưởng, chủ đề của kịch Lưu Quang Vũ vẫn được bám chặt, chúng tôi sẽ cố gắng làm thế nào để khán giả có thể thư dãn khi xem vở kịch, nhưng vẫn rút ra được bài học ý nghĩa đằng sau nó.

Kịch Lưu Quang Vũ luôn luôn hấp dẫn khán giả, bằng chứng là năm 2013 diễn ra liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ, mọi chỗ trống đã không còn. Và chắc chắn, khi làm vở kịch này, anh cũng tin vào điều đó?

- Kịch Lưu Quang Vũ luôn luôn có sức hút với người xem, tôi cũng rất tiếc khi vở kịch không được dựng đúng vào thời điểm Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ. Bởi dù thế nào, tôi hay khán giả, hay bất cứ ai cũng đều phải công nhận, kịch của Lưu Quang Vũ quá hay. Mỗi vở kịch, mỗi đề tài là một câu chuyện khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi làm sao để có được một bản diễn chân thực để ra mắt khán giả.

Xin cảm ơn anh!

Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem