Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Nữ hoàng Đông Dương trên sông Sài Gòn
Không lẫn vào đâu được là cách mà các các công ty lữ hành nói về hãng Thuyền buồm Đông Dương của ông An Sơn Lâm với đội tàu mang những cái tên đầy kiêu hãnh và tự hào: la Perle de l'Extrême-Orient - Hòn ngọc Viễn Đông, Indochina Queen - Nữ hoàng Đông Dương. Đây là hãng tàu nhà hàng có tiếng lâu nay tại TP.HCM.
Ăn điểm nhờ độc lạ
"Kể từ khi thành lập từ năm 2005 đến nay, điểm nhấn đặc biệt và luôn khác biệt của chúng tôi chính là đội thuyền gỗ với gam màu nâu đặc trưng, có cột buồm gióng lên cao", ông An Sơn Lâm, Giám đốc hãng Thuyền buồm Đông Dương, người đàn ông 61 tuổi cao ráo, vẻ ngoài rắn rỏi - nói với chúng tôi trong một hoàng hôn tuyệt đẹp trên sông Sài Gòn. Tàu Nữ hoàng Đông Dương neo ở cảng Sài Gòn bên quận 4, đang đón khách. Từ bên này nhìn sang bên kia là tòa tháp Bitexco, Landmark 81, cầu Ba Son và những công trình biểu tượng của TP.HCM.
Thuyền buồm ở TP.HCM và sông nước phía Nam có phần hơi lạ. Nhưng trong ngành du lịch, độc lạ đã là một yếu tố ăn điểm. Chưa kể, yếu tố văn hóa, vẻ đẹp của một đô thị hơn 300 năm tuổi Sài Gòn - TP.HCM sẽ được kể trên thuyền là một điểm nhấn đặc biệt. Du lịch văn hóa vốn rất được khách Tây yêu thích. Vì vậy, những chiếc thuyền vừa độc lạ vừa mang câu chuyện văn hóa này hút khách suốt gần hai thập kỷ qua.
"Những chiếc tàu gỗ, buồm nâu tại Hạ Long là ý tưởng giúp tôi hình thành đội tàu như vậy trên sông Sài Gòn. Dĩ nhiên có biến tấu cho phù hợp. Từ lúc mới thành lập, tôi đã chọn cái tên Thuyền Buồm Đông Dương với khát vọng được đi xa hơn. Rồi các con tàu ra đời, tên gọi mang màu sắc Đông Dương rất cao, như tàu Đông Dương 27, Đông Dương 25… và tàu Hòn ngọc Viễn Đông. Vừa ra mắt, các công ty lữ hành nghe là thấy thích liền, họ bắt đầu tìm đến và đặt tour", ông Lâm nói với sự hạnh phúc về những "đứa con" của mình.
Sau khoảng chục năm, ông sở hữu 3 tàu gỗ và 7 chiếc ghe để phục vụ khách du ngoạn trên sông Sài Gòn, đi một số tour đường sông ngắn đến Cần Giờ. Do biến động của Covid-19 và sự sắp xếp lại bến cảng Bạch Đằng các năm trước, hiện hãng còn vận hành 2 tàu nhà hàng cỡ lớn, trong đó, Nữ hoàng Đông Dương có sức chứa lớn nhất lên đến 600 khách. Như các hãng lữ hành nói, cứ chiều là các tàu tấp nập. Họ phải đặt trước thật sớm dịp cuối tuần và ngày lễ mới mong có chỗ đưa khách ngắm Hòn ngọc Viễn Đông trên Thuyền buồm Đông Dương.
Sứ giả trên từng chuyến tàu
Ông An Sơn Lâm học nghề cơ khí ở Đức. Ông có gần 10 năm học tập và làm việc tại đất nước này. Đây là điểm thuận lợi giúp ông vận hành tàu về khoản máy móc, kỹ thuật. Nhưng theo ông Lâm, "phần mềm" tức sản phẩm, bày trí, dịch vụ để hài hòa, khác biệt thì mới là yếu tố "ăn điểm".
"Tôi còn là hướng dẫn viên du lịch mà, nên rất hiểu khách", ông Lâm nói và bắt đầu kể hành trình có lẽ không giống bất kỳ ông chủ hãng tàu nào tại Việt Nam. Hồi mới về nước năm 1996, khi chưa có việc làm, ông thường đi tham quan, tìm hiểu về TP.HCM, rồi tình cờ được một người Đức xa lạ gợi ý có thể làm hướng dẫn viên du lịch do vốn tiếng Đức kha khá. Thế là ông học hướng dẫn viên ở Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn và bắt đầu dẫn khách, chuyên dẫn tour cho khách Đức. Những chuyến đi từ Nam chí Bắc khiến ông có thêm kinh nghiệm và dần ấp ủ đầu tư đội thuyền buồm trên sông Sài Gòn mang đặc trưng riêng, phong cách phục vụ riêng.
"Lúc đưa tàu đầu tiên được đóng tại Vinh về TP.HCM, bến Bạch Đằng đã có những tên tuổi lớn như tàu Bến Nghé, tàu 168, tàu Mỹ Cảnh. Tàu chúng tôi chỉ chở được khoảng 50 khách và xác định không cạnh tranh với họ mà trước tiên là phục vụ khách đối tác với sản phẩm khác biệt", ông Lâm nói.
Sự khác biệt đó là dấu ấn văn hóa trên tàu, dấu ấn Đông Dương ngay tại nơi được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Bữa tối được chuẩn bị từ những đầu bếp, phụ bếp và người phục vụ trong trang phục hồi giai đoạn trước. Khách được thưởng thức trong không khí âm nhạc dân tộc bài bản do các nghệ sĩ, nhạc công thực hiện, như một cách giới thiệu văn hóa Việt Nam. Sự đặc biệt còn đến từ cách vận hành, chỉ cho tàu chạy chầm chậm trên sông Sài Gòn. Khách có thể ghi lại khoảnh khắc đẹp về đêm, thay vì thúc tàu chạy nhanh, chia làm nhiều suất để tăng doanh thu.
"Làm hướng dẫn viên du lịch, nhất là cho khách Tây nên tôi hiểu được mong muốn của họ là gì để phục vụ chu đáo nhất trong những chuyến đi", ông An Sơn Lâm nói. Những khách Đức gần 20 năm trước đi tàu Đông Dương 27 vốn là khách quen của tour guide An Sơn Lâm, gần đây trở lại TP.HCM cũng bày tỏ sự thán phục trước những tàu nhà hàng của ông.
Tàu đợi sông Sài Gòn
Hơn 19h, tàu Nữ hoàng Đông Dương bắt đầu rời bến. Từ cảng quận 4, tàu chạy nhẹ nhàng qua khu vực trung tâm bến Bạch Đằng. Nhiều người nói TP.HCM đẹp nhất về đêm khi đô thị sầm uất lên đèn. Có lẽ, vị trí ngắm TP.HCM đẹp nhất là từ những chiếc tàu trên sông. Đứng trên boong, mũi tàu, nhiều khách trầm trồ trước vẻ đẹp của TP.HCM. Tàu từ từ di chuyển đến khu vực cầu Ba Son, rồi quanh qua quận 4, hướng về quận 7. Gió từ sông Sài Gòn mát rượi. Nhóm khách Tây mải mê trong màn múa hát nhạc truyền thống. Khách Việt người dùng buffet tối, người lên boong, nơi có cánh buồm cách điệu để hóng mát, chụp ảnh.
"Không chỉ khách Tây, người Việt mình gần đây rất thích và chuộng hình thức tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn. Tỷ lệ khách Việt hiện còn cao hơn cả khách nước ngoài. Trước đây có thể họ vẫn nghĩ du lịch trên sông là loại hình cao cấp nhưng với chỉ từ 500.000 đồng cho một bữa tối, ngắm TP.HCM về đêm thì rất tuyệt và đáng trải nghiệm. Khách vẫn kéo đến chứng tỏ nhu cầu cao và sản phẩm của mình là phù hợp", ông Lâm nói.
Ngành du lịch tại TP.HCM đang hồi sinh với hàng loạt sự kiện, chương trình. Những sự quan tâm gần đây, nhất là trong ngành du lịch sông nước đều khiến các doanh nghiệp đều hồ hởi. "Sông Sài Gòn rất đẹp và nhiều tiềm năng. Nếu được khai thác hết, có không gian neo đậu tàu thuyền, quy hoạch bến bãi, công trình chiếu sáng thì sẽ còn nhiều tàu thuyền đẹp hơn nữa trong thời gian tới", ông Lâm nói. Tàu Nữ hoàng Đông Dương cập bến trong niềm vui viên mãn của hàng trăm du khách. Còn ông chủ của nó vẫn không thôi nghĩ về cảnh sẽ tiếp tục có thêm tàu mới lớn hơn, đẹp hơn phục vụ khách trên sông Sài Gòn, hướng ra Đông Dương như chính tên gọi của nó.