Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Núi tiền bồi thường, tiền phạt rơi xuống đầu Apple
CEO Apple Tim Cook thiếu trung thực?
Vụ kiện trong đó Apple đồng ý bồi thường 490 triệu USD xuất phát từ thông báo bất ngờ của Apple ngày 2/12019 rằng "táo khuyết" sẽ giảm tới 9 tỷ USD trong dự báo doanh thu hằng quý của hãng, nguyên nhân là do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Apple giảm dự báo doanh thu kể từ khi ra mắt điện thoại thông minh iPhone năm 2007.
Cổ phiếu của Apple giảm 10% vào ngày hôm sau, giá trị vốn hóa của "ông lớn" công nghệ Mỹ trên thị trường giảm 74 tỷ USD, theo kênh CNBC (Mỹ).
Nhưng tháng 11/2018, CEO Tim Cook nói với các nhà đầu tư rằng Apple đang phải đối mặt với sức ép doanh số tại các thị trường như Brazil, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng khẳng định Trung Quốc không nằm trong số thị trường khó khăn này. Vài ngày sau đó, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp phải cắt giảm sản xuất.
CNBC cho biết sau khi Apple đồng ý bồi thường 490 triệu USD, hãng và các luật sư đại diện chưa đưa ra bình luận nào. Trong khi đó, luật sư Shawn Williams đại diện các cổ đông của Apple, hoan nghênh thỏa thuận có lợi cho các cổ đông đã mua cổ phiếu của Apple trong khoảng thời gian hai tháng khi hãng giảm dự báo doanh thu vào lúc đó.
EU phạt Apple hơn nửa tỷ USD
Tháng 2/ 2024, Apple nhận án phạt hơn 530 triệu USD từ Liên minh châu Âu (EU) để ngăn cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực âm nhạc trực tuyến. Theo báo Financial Times, khoản phạt này được đưa ra sau khi cơ quan quản lý ở Brussels, Bỉ, điều tra khiếu nại của công ty cạnh tranh Spotify nói rằng Apple đã chặn các ứng dụng khác thông báo đến người dùng về các lựa chọn thay thế rẻ hơn cho dịch vụ âm nhạc của Apple.
Nghĩa là "táo khuyết" luôn cố duy trì sự tập trung của người dùng và bơm cho các ứng dụng trong hệ thống thanh toán App Store của mình.
Spotify phản đối từ năm 2019, nói rằng chính sách của Apple đã ngăn cạnh tranh với dịch vụ âm nhạc Apple Musi. Do đó, EU bắt đầu điều tra vào năm 2020. Vào năm 2021, EU công bố bản báo cáo sơ bộ về khiếu nại của Spotify, trong đó kết luận rằng Apple đã có hành vi bóp méo cạnh tranh trên thị trường phát nhạc trực tuyến. Sau công bố này, Spotify tiếp tục kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) cần mạnh tay hơn nữa với Apple.
Đây không phải lần đầu tiên Apple bị phạt vì vi phạm luật cạnh tranh của EU, vốn muốn các doanh nghiệp phải cạnh tranh công bằng.
Canada kiện tập thể vì "Apple làm chậm iPhone cũ"
Nếu thua kiện, Apple phải trả tới 14,4 triệu USD cho các chủ sở hữu iPhone trong một vụ kiện tập thể ở Canada với cáo buộc "táo khuyết" đã cố tình hạn chế hiệu suất của một số iPhone cũ.
Theo đài CBC của Canada, mỗi người dùng iPhone trong vụ kiện có thể nhận được từ 17,50 USD đến 150 USD nếu thắng kiện, tùy thuộc vào số lượng khiếu nại được gửi đến Apple.
Cuối năm 2017, người dùng phát hiện ra Apple đang làm chậm một số mẫu iPhone cũ và điều này cho thấy rằng hãng làm vậy để buộc khách hàng phải chi thêm tiền đi mua sản phẩm mới.
Tuy nhiên, Apple giải thích do pin cũ nên khó có khả năng cung cấp năng lượng y như mới. Vì thế, hãng triển khai tính năng quản lý pin để ngăn tình trạng tắt máy đột ngột trên iPhone.
Khách hàng không thỏa mãn với sự thiếu minh bạch của hãng. Do đó, nhiều vụ kiện đã được nộp lên các tòa án ở các địa phương. Apple phải xin lỗi vì đã không cung cấp thông tin đầy đủ về vụ việc, và tạm giảm giá thay thế pin từ 79 USD xuống còn 29 USD.
Apple cũng lên tiếng phủ nhận các hành vi sai trái nhưng nói phải giải quyết khiếu nại của khách hàng để giảm chi phí liên quan đến kiện tụng.
Trước vụ Canada, Apple đã đồng ý trả tới 500 triệu USD cho những người dùng bị ảnh hưởng ở Mỹ để giải quyết vụ kiện tương tự. Hãng bắt đầu gửi các khoản tiền như vậy đến khánh hàng vào đầu năm nay, và một số người tiêu dùng bị ảnh hưởng đã nhận 92,17 USD mỗi người.