Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Ôtô điện Trung Quốc vào Việt Nam - cuộc chơi không dễ dàng
Ngày 5/5 vừa qua, Chủ tịch BYD đã có cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, để bày tỏ mong muốn mở nhà máy sản xuất xe điện tại Việt Nam, theo Bloomberg. Trong quý II, Wuling sẽ giới thiệu mẫu xe điện cỡ nhỏ giá bình dân tại Việt Nam, nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch.
Là quốc gia chuộng ôtô giá rẻ, Việt Nam được các hãng xe Trung Quốc nhắm đến như một thị trường tiềm năng. Hàng loạt hãng xe có tên tuổi tại Trung Quốc đã lên kế hoạch gia nhập thị trường trăm triệu dân.
Trên thực tế, Việt Nam không phải là thị trường “màu hồng” với xe Trung Quốc nói chung và ôtô điện Trung Quốc nói riêng. Trước BYD, một số hãng xe Trung Quốc từng có tham vọng vào thị trường Việt Nam nhưng “mất tăm” cho đến nay.
Bùng nổ tại quê nhà - nuôi tham vọng “xuất ngoại”
Dù gia nhập cuộc chơi xe điện chưa lâu, các hãng xe Trung Quốc gần như là bá chủ tại quê nhà. Trong năm 2022, phân khúc xe xanh đạt mốc doanh số 6,8 triệu xe, tăng 93,4% so năm 2021. Mức tăng trưởng doanh số đáng kinh ngạc này biến Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ xe xanh số 1 trên thế giới, chiếm 25,6% thị phần toàn cầu.
Xe điện đóng vai trò không nhỏ khi góp doanh số đến 5,36 triệu xe, tăng 81,6% so cùng kỳ năm 2021. Chiếm 79,9% trong doanh số đó là các mẫu xe đến từ những thương hiệu nội địa Trung Quốc. Trong danh sách 10 hãng xe điện bán chạy nhất Trung Quốc năm 2022, có đến 5 đại diện đến từ nội địa và phần lớn nằm top đầu.
Sự bùng nổ tại quê nhà khiến giấc mộng “xuất ngoại” của các hãng xe điện Trung Quốc trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tại Triển lãm Thượng Hải 2023 vừa qua, các hãng xe Trung Quốc tập trung phô diễn tiềm năng xe điện, thậm chí lấn át cả các ông lớn đến từ châu Âu. Sản phẩm của các hãng xe Trung Quốc trải dài từ xe giá rẻ đến siêu xe (BYD YangWang U9).
Các hãng xe Trung Quốc đang tìm đường đến châu Âu với những mẫu xe điện mang tính cạnh tranh về cả giá bán và công nghệ, theo Reuters. Thật ra, các hãng xe Trung Quốc đã hướng đến châu Âu từ lâu. BYD, Great Wall Motor và Chery đã thâm nhập thị trường Anh từ trước đó.
BYD thậm chí đã hợp tác với đại lý xe Pendragon của Anh để phân phối các mẫu xe điện của hãng tại xứ sở sương mù.
Ngoài châu Âu, Đông Nam Á cũng là thị trường mà các hãng xe Trung Quốc muốn bành trướng. Mức giá bình dân là một lợi thế lớn của các hãng xe Trung Quốc tại Đông Nam Á, nơi mà phần lớn các nước ưa chuộng ôtô giá rẻ.
Ngoài ra, chính sách thu hút đầu tư của các quốc gia nơi đây cũng là bước “mở đường” cho xe Trung Quốc.
Đầu năm 2023, Changan - hãng xe điện bán chạy thứ tư tại Trung Quốc - đã đầu tư 285 triệu USD xây dựng nhà máy tại Thái Lan, theo Nikkei. Một khoản tiền tương đương sẽ được đầu tư tiếp tục vào Thái Lan trong tương lai, chủ tịch Changan cho biết. BYD, Neta cũng “tham chiến” tại Bangkok Motor Show 2023 với các mẫu xe điện giá rẻ.
Cuộc chiến "sân khách" không dễ dàng
Sau Thái Lan, BYD tiếp tục tham vọng chinh phục Đông Nam Á với thị trường Việt Nam. Theo Bloomberg, Chủ tịch BYD Wang Chuanfu đã có cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, để bày tỏ mong muốn mở nhà máy sản xuất xe điện tại Việt Nam.
Nếu dự án này được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 2 bên ngoài Trung Quốc có nhà máy của BYD. Hiện tại, nhà máy đầu tiên của BYD tại nước ngoài đang được xây dựng tại Thái Lan.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là thị trường “màu hồng” cho xe điện Trung Quốc, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Trong khoảng 2 năm gần đây, nhiều hãng xe Trung Quốc muốn gia nhập thị trường ôtô Việt nhưng thực tế diễn ra khá chậm chạp.
Great Wall Motor (được biết đến với thương hiệu Haval) mở văn phòng đại diện và tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam nhưng nhanh chóng rút về nước chỉ sau 6 tháng. Tham vọng của hãng xe hàng đầu Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên có vẻ như Great Wall Motor gặp nhiều vấn đề hơn doanh nghiệp này tưởng tượng khi bước ra khỏi sân chơi nội địa.
Chery hé lộ thông tin quay lại thị trường Việt Nam từ đầu năm ngoái. Một số mẫu xe có thể được hãng này ra mắt tại Việt Nam cũng dần lộ diện. Thậm chí Chery còn tham vọng các mẫu xe của mình sẽ nằm ở phân khúc tầm trung với nhiều công nghệ và cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc, chứ không phải là "xe tàu" giá rẻ và chất lượng thấp.
Tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là kế hoạch, khi cho tới này Chery vẫn chưa thể ra mắt mẫu xe hay đại lý nào tại Việt Nam.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã từ chối đề xuất giảm thuế nhập khẩu ôtô điện của thương hiệu Wuling. Thương hiệu Wuling dự kiến có màn “chào sân” thị trường Việt Nam, với mẫu xe điện cỡ nhỏ Hongguang Mini EV vào tháng 6 tới.
Xe điện của Wuling có doanh số lớn nhất thế giới khiến hãng xe này rất tự tin khi xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên mức giá có thể sẽ là rào cản lớn nhất, bởi xe điện cỡ nhỏ tại Trung Quốc được ưu đãi rất nhiều từ hỗ trợ người mua cho tới chỗ đỗ xe và nơi sạc điện. Tại Việt Nam, mọi lợi thế của Wuling ở Trung Quốc đều không tồn tại, và mức giá cao hơn sự kỳ vọng của khách hàng có thể khiến hãng xe này gặp khó.
Nhìn chung tại thị trường Việt Nam, các thương hiệu Trung Quốc như Beijing, Hongqi hay Zotye là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất, nhưng chỉ là qua những đơn vị nhập khẩu nhỏ lẻ, và chưa thực sự có một hãng xe lớn của Trung Quốc có được thành công và lớn mạnh tại Việt Nam.
Có lẽ, thị trường Việt Nam không "béo bở" như các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc kỳ vọng. Từ trước đến nay, phần đông khách hàng Việt vẫn không quá thiện cảm với xe Trung Quốc, dù các mẫu xe ngày càng được đầu tư về công nghệ, tính năng. Nếu không hoài nghi về chất lượng, mạng lưới đại lý quá mỏng là những nguyên nhân chính khiến khách hàng Việt còn e dè với xe Trung Quốc.
Nhìn ra những thị trường thực dụng hơn như Mỹ và châu Âu, các hãng xe Trung Quốc cũng không để lại nhiều ấn tượng. Khác với thị trường nội địa, các mẫu xe Trung Quốc không xuất hiện trong danh sách xe điện bán chạy tại Mỹ và châu Âu trong năm 2022. Chỉ hai hãng xe châu Á là Kia và Hyundai lọt vào danh sách này.
Không có sự hậu thuẫn như tại quê nhà, các hãng xe Trung Quốc rất khó chen chân vào thị trường Mỹ và châu Âu. Đó là lý do chỉ một số thương hiệu lớn như BYD, Chery, Great Wall hay MG có kế hoạch gia nhập các thị trường này.
Nhìn chung, thị trường nội địa có nhiều lợi thế giúp xe Trung Quốc bùng nổ, thậm chí lấn át các hãng xe lớn trên thế giới. Khi tiến ra “biển lớn”, các thương hiệu Trung Quốc lập tức đối diện nhiều khó khăn, trở ngại mà họ không phải gặp khi ở sân nhà. Để vượt qua thử thách, các hãng xe Trung Quốc cần “cởi mở” hơn để xóa đi các định kiến trước đây, ít nhất là tại thị trường Việt Nam.
Theo Zing
Quốc gia dẫn đầu thế giới trong cuộc đua sản xuất xe điện
11/05/2023 15:06BMW ra mắt xe điện giá gần 7,2 tỷ đồng cho thị trường Việt Nam
27/04/2023 12:30