Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Phí vỉa hè cao nhất TP.HCM ở khu vực nào?
Đây là nội dung từ văn bản hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải thành phố để thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường và hè phố.
Theo hướng dẫn, Sở GTVT, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức xem xét, cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố theo quyết định của UBND TP.HCM.
Sở GTVT sẽ tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường (bao gồm dải phân cách, đảo giao thông) trên các tuyến đường do đơn vị này quản lý. Đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý, do chính UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Mức phí quy định cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng. Mức phí được đề xuất tùy theo giá đất bình quân tại 5 khu vực.
Trong đó, khu vực một gồm quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam TP, khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ có mức thu phí cao nhất. Ngược lại, khu vực năm là huyện Cần Giờ sẽ có mức thu thấp nhất.
Tổng cộng, có 9 trường hợp phải nộp phí sử dụng, trong đó có 6 trường hợp sử dụng hè phố, 3 trường hợp sử dụng lòng đường.
6 trường hợp phải nộp phí sử dụng hè phố gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Ba trường hợp phải nộp phí sử dụng lòng đường gồm tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ giữ xe.
Đặc biệt, trong việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, UBND cấp huyện chủ trì thực hiện ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện.
Việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn phải đảm bảo đồng bộ trên từng đoạn đường, khu vực và phải được UBND cấp huyện thông qua, thu phí theo quy định.
UBND cấp huyện căn cứ hiện trạng sử dụng, đặc thù, tính chất của từng tuyến đường, đoạn đường của khu vực, để xây dựng giải pháp thực hiện, thời gian hoạt động cho phù hợp.
Phạm vi hè phố phải được giới hạn (bằng gạch màu hoặc vạch sơn phản quang màu vàng, hàng rào) để phân định với các hoạt động khác, và được bố trí xen giữ bồn gốc cây xanh, mảng xanh hiện hữu trên hè phố.
Về điều kiện sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, hè phố phải có bề rộng từ 3m trở lên. Khi tổ chức hoạt động này, hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5m (không tính đến phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở.
Tháng 9/2023, tại kỳ 11 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Thời gian thu phí từ ngày 1/1/2024.
TP.HCM sắp đồng loạt nâng cấp vỉa hè, hẻm trung tâm
20/12/2023 15:37