Triều đại phong kiến ở Trung Quốc đã tàn lụi từ lâu, thế nhưng cho đến ngày nay, việc canh giữ lăng mộ cho hoàng thất nhà Thanh vẫn chưa một ngày gián đoạn.
Trung Quốc là một trong những đất nước có nền văn hóa lịch sử lâu đời nhất thế giới. Đặc biệt chế độ phong kiến kéo dài hơn 2.000 năm đã có ảnh hưởng to lớn tới đời sống tín ngưỡng, văn hóa của đất nước này.
Từ thuở sơ khai khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng - vị "thiên cổ nhất đế" khi ấy đã tốn không biết bao nhiêu nhân lực và tài lực để xây dựng lăng mộ cho mình. Thế giới sau khi chết trở thành vùng đất đầy huyền bí ám ảnh những người còn sống, từ vương tôn quý tộc đến những kẻ nghèo hèn, tất cả đều luôn cố gắng để sau khi chết được mồ yên mả đẹp.
Sau khi lên ngôi, điều đầu tiên mỗi vị hoàng đế nghĩ đến là bắt đầu xây dựng lăng mộ cho mình. Lăng mộ là một trong những biểu tượng của quyền lực và danh tiếng mà hoàng đế ấy nắm giữ. Trải qua trăm, ngàn năm bãi bể nương dâu, mỗi triều đại lại hình thành một quần thể lăng mộ cho hoàng gia với những dấu ấn lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo.
Những khu vực này đều được coi là địa điểm vô cùng linh thiêng, được chăm sóc và canh giữ cẩn thận. Triều đình cũng có chức quan riêng chịu trách nhiệm xây dựng và bảo trì lăng tẩm, các quan chức này đồng thời sẽ phụ trách việc chôn cất lăng mộ của các thành viên trong gia đình hoàng tộc, cuối cùng sẽ canh giữ lăng mộ đến cuối đời.
Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc. Nhiều lăng tẩm của triều đại này đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Và Thanh Đông Lăng là một quần thể lăng mộ hoàng gia của triều đại nhà Thanh nằm ở Tuân Hóa, Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 125km về phía đông bắc.
Đây là quần thể lăng mộ còn tồn tại lớn nhất, đầy đủ nhất và được bảo quản tốt nhất tại Trung Quốc. Thanh Đông Lăng là nơi yên nghỉ của 5 vị hoàng đế là Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong, Đồng Trị cùng 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa. Quần thể này được bao quanh bởi các dãy núi và trải dài trên khu vực có diện tích 80km vuông.
Trung tâm của Thanh Đông Lăng là Thanh Hiếu Lăng, lăng mộ của hoàng đế Thuận Trị (1638-1661) - vị hoàng đế nhà Thanh đầu tiên nhập quan (vị hoàng đế người Mãn Thanh đầu tiên chính thức bước vào kinh thành Bắc Kinh sau khi lật đổ triều đại Minh của người Hán). Ông cũng là người đầu tiên được chôn cất tại Thanh Đông Lăng.
Trong suốt chiều dài gần 300 năm, Thanh Đông Lăng luôn được bảo vệ và chăm sóc bởi quan viên triều đình. Vậy khi nhà Thanh sụp đổ, ai sẽ là người chăm lo cho nó?
Sau khi triều đại phong kiến nhà Thanh sụp đổ, hầu hết các thành viên còn lại của hoàng tộc phải sống ẩn mình ở Tây Tạng, số ít thì phải giấu danh tính cẩn thận sinh sống dưới con mắt soi mói của người đời. Người sống còn không lo nổi thân nữa là lo chuyện người chết.
Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là các lăng mộ ở Thanh Đông Lăng vẫn được canh giữ suốt những năm tháng qua. Nghề giữ lăng đặc biệt này, bằng một cách thần kỳ nào đó, vẫn truyền lại cho đến ngày nay, khi nhà Thanh đã lùi vào quên lãng được 108 năm. Ai đã trả tiền cho những người canh giữ lăng mộ này?
Khi nhà Thanh vẫn còn, tiền lương của người canh lăng do triều đình trực tiếp chi trả. Sau khi nhà Thanh bị lật đổ, họ phải tìm đến nhà cầm quyền mới, Chính phủ Quốc dân khi ấy đã quyết định tiếp tục duy trì hoạt động này.
Cuối cùng khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, để bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Thanh Đông Lăng, chính phủ mới đã đảm nhận trách nhiệm chăm sóc lăng mộ. Vậy là việc canh giữ Thanh Đông lăng vẫn được tiếp tục duy trì trong hơn một trăm năm biến động của lịch sử.
Bảo vệ lăng mộ cho triều đại nhà Thanh là một nghề được coi trọng đặc biệt. Một khi đã trở thành người bảo vệ lăng mộ, họ phải sống gần lăng mộ cả đời. Họ cũng phải lựa chọn người thừa kế trách nhiệm cho mình trước khi chết.
Trong một số tiểu thuyết và truyền thuyết của Trung Quốc, những người canh mộ hoặc có khả năng bí ẩn hoặc phải sống rất vất vả. Tuy nhiên trên thực tế, những người canh giữ lăng mộ thời nhà Thanh có sống tốt hơn hầu hết mọi người.
Để được chọn làm người canh mộ cũng không hề dễ dàng. Yêu cầu đầu tiên đối là phải có dòng máu Mãn Châu thuần chủng.
Sau khi được chọn, về cơ bản họ được coi là quan viên thất phẩm (cấp bảy), được chu cấp toàn bộ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Vào những năm thịnh vượng, số lượng lính canh của một hoàng lăng có thể lên tới 3.000 người, đủ để tạo thành một đội quân nhỏ.