Ngay sau khi Chiến tranh Biên giới nổ ra, Moskva đã cấp tốc thành lập đoàn công tác đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Ghenady Ivanovich Obaturov để khẩn trương bay sang Việt Nam.
Vì sao Đại tướng Obaturov được chọn?
Thiếu tướng Evrafji Melnichenko, thành viên trong đoàn công tác nhớ lại:
“Theo yêu cầu của lãnh đạo Việt Nam và trên tinh thần Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang CHXHCN Xô Viết ký tháng 11/1978, ở Thủ đô Moskva, đoàn công tác đặc biệt đã cấp tốc được thành lập.
Thông tin về việc Trung Quốc chuẩn bị tấn công Việt Nam chúng tôi đã nắm được từ trước. Vì thế ngay từ đầu tháng 2/1979, Bộ Tổng tham mưu đã thành lập một nhóm 20 chuyên gia quân sự, dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Ghenady Ivanovich Obaturov.
Vì sao Obaturov được chọn? Theo ý kiến của chúng tôi, ở thời điểm đó, ông là một vị tướng được đào tạo bài bản và rất giỏi. Chúng tôi vẫn gọi ông là “từ điển bách khoa sống”.
Ông nắm rõ đến tận chân tơ kẽ tóc các chiến thuật của nghệ thuật quân sự, các binh quân chủng, các loại vũ khí và cách sử dụng chúng trong chiến tranh hiện đại. Thêm nữa, ông đã trải qua kinh nghiệm trận mạc”.
Trong khi các tướng lĩnh, sĩ quan trong nhóm chuyên gia tập trung chuẩn bị sang Việt Nam thì Đại tướng Obaturov tự mình nghiên cứu một chương trình làm việc riêng.
Đại tá Igor Kuminov từng công tác tại Bộ Tổng tham mưu Bộ quốc phòng Liên Xô nhớ lại:
“Ghenady Obaturov có quan hệ rất tốt với Tổng tham mưu trưởng, Nguyên soái Liên Xô N.Ogarkov. Ông đã yêu cầu Ogarkov cho ông được biết các loại vũ khí của Liên Xô hiện đang được trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông nắm vững các loại vũ khí khí tài, bởi trước đó đã từng tự lái tăng và sử dụng thuần thục các loại vũ khí khác nhau”.
Phu nhân tướng Ghenady Ivanovich Obaturov, bà Elizaveta Pavlovna kể:
“Đích thân nguyên soái Tổng tham mưu trưởng Ogarkov gọi điện cho tôi, khuyên không nên đi cùng chồng sang Việt Nam bởi tình hình ở đó khá phức tạp. Tôi đã từ chối đề nghị này, nói đây không phải lần đầu tôi chia sẻ những khó khăn với chồng của mình”.
Và bà đã cùng chồng sang Việt Nam, để bước vào một nhiệm vụ mới vô cùng khó khăn.
Vị tướng xuất sắc toàn tài, không ngại gian khổ, hy sinh
Sáng 19/2/1979, máy bay của Hãng Aeroflot chở đoàn chuyên gia quân sự cấp cao Liên Xô hạ cánh xuống Hà Nội.
Trong đoàn, ngoài trưởng đoàn, Đại tướng Obaturov còn có các tướng: V.Mikhailov, V.Demyanenko, E.Melnichenko, A.Zichenko, N.Bernadsky, A.Baltyshev, A.Vasilev, B.Butorin, V.Bulgakov, Maiorov, M.Skrabov, M.Koval, chuẩn đô đốc A.Skvortsov…
Họ đã nhanh chóng bắt tay vào công việc.
Sau khi nghe Trung tướng M. Vorobev, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam báo cáo nhanh, Đại tướng Obaturov đã tiếp xúc và nắm thông tin chiến trường từ Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn và Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Đại tướng Ghenady Ivanovich Obaturov
Ghenady Obaturov sinh ngày 9/1/1915 tại làng Maloe Zarecheno, nay thuộc tỉnh Kirov. Ông đã từng tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, được tặng thưởng 7 huân chương Chiến công. Ông mất năm 1996 tại thủ đô Moskva.
Pavel Rutkovsky, Trung tá, chỉ huy đơn vị thông tin của đoàn chuyên gia cao cấp Liên Xô nhớ lại:
“Tình hình ở thủ đô Hà Nội khi đó khá căng thẳng. Đến thời điểm đó, tôi và đơn vị của mình (120 chiến sĩ) đã ở Việt Nam nửa năm. Chúng tôi đến Việt Nam trên 2 chiếc AN-22 qua đường Ấn Độ và Pakistan từ tháng 8/1978.
Tình hình chiến sự tôi được biết qua một đồng chí trung tá phiên dịch. Nói thật là khi đó tình trạng khá căng…
Mặc dù phía Việt Nam đã can ngăn, nhưng Obaturov vẫn quyết định ra thẳng chiến trường để thị sát. Ngay ngày 20/2, Đài “Tiếng nói Hoa Kỳ” đã loan tin về sự có mặt của các chuyên gia quân sự Liên Xô.
Chuyến thị sát đó, đoàn xe chuyên gia quân sự đã suýt dính pháo ở Lạng Sơn. Nhưng mục đích của chuyến thị sát đã đạt được.
Trong những ngày ở Việt Nam, vị Đại tướng 64 tuổi Ghenady Obaturov, người đã từng trải qua Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đã khiến cho mọi người kinh ngạc về sự bền bỉ của mình.
Ông làm việc hầu như suốt ngày đêm, bất kỳ khi nào cũng có thể yêu cầu báo cáo thật chi tiết về tình hình chiến sự để có những quyết định kịp thời.
Nắm bắt tình hình thực tế, Đại tướng Obaturov cũng đã báo cáo cho lãnh đạo Liên Xô về việc phải khẩn cấp chuyển đến cho Việt Nam những thiết bị và vũ khí cần thiết, có thể giúp Việt Nam đẩy lùi kẻ địch.
Ngày 5/3/1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Trong những ngày sát cánh bên các bạn Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đoàn chuyên gia quân sự Xô viết cũng chịu những sự tổn thất.
Tháng 3/1979, chiếc máy bay vận tải quân sự An-24 đã gặp sự cố khi hạ cánh ở Đà Nẵng, 6 chuyên gia quân sự Liên Xô, trong đó có Thiếu tướng Malykh đã hy sinh.
Duyên nợ với Việt Nam của tướng Obaturov đến đây vẫn chưa chấm dứt. Sau đó, ông còn lưu lại Việt Nam 3 năm và có những đóng góp rất hiệu quả trong việc xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng của 2 nước Lào và Campuchia.
Sau khi về nước, tháng 11/1982, Đại tướng G.Obaturov được phân công làm Giám đốc Học viện Quân sự Frunze.
Trong số 19 Huân chương cao quý của Nhà nước Liên Xô và 22 Huân chương của các nước anh em trao tặng cho Obaturov, có Huân chương Quân công hạng Nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Có lẽ ít ai ngờ, Đại tướng Obaturov không những là một vị tướng tài ba, mà ông còn là một thi sĩ. Trong những ngày ở Việt Nam, ông đã sáng tác nhiều bài thơ, trong đó có bài gửi cho một người bạn chiến đấu cũ, kết thúc bởi những dòng:
Và bạn hỡi, rồi chúng ta
Những chiến binh sẽ giã từ cuộc sống
Nhưng tôi tin, trên tấm bia Tổ quốc
Sẽ đôi khi ghi nhớ chúng ta
Và tôi sống, vững vàng bởi thế.
Không những ở nước Nga, Ghenady Obaturov mới được mọi người nhớ đến.
Ở Việt Nam, mọi người vẫn nhớ đến ông, một vị Đại tướng, một người bạn Xô viết đã sát cánh cùng chúng ta trong những ngày tháng đầu tiên khó khăn của cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.