Nhờ mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, gia đình chị Phạm Thị Huệ (ở thôn 2, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã gây dựng thành công mô hình nuôi gà ta thả vườn đồi.
Với diện tích đất rộng gần 10.500m2, chị Huệ đã đầu tư xây dựng gia trại tổng hợp chăn nuôi, trồng trọt, trong đó chủ yếu là nuôi gà ta thả vườn, đồi.
Chị Huệ chia sẻ: "Gia đình tôi có kinh nghiệm nuôi gà hơn 10 năm, nhưng do dịch Covid-19 nên quá trình chăn nuôi bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn, tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để tái đàn.
Với số tiền được vay, tôi mua 5.000 con gà ta giống, thức ăn và thuốc thú y, ngoài ra gia đình tự bỏ vốn mua thêm 2.500 con gà ta giống để nuôi lấp kín 5 trại gà. Mỗi trại, tôi nuôi 1.500 con, một năm mỗi trại nuôi được 3 lứa gà, một lứa có thời gian nuôi 3,5 tháng".
Để chăn nuôi bền vững và có hiệu quả kinh tế cao, chị Huệ cho biết: Điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là giữa lứa gà cũ và lứa gà mới, sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại và tiêu độc khử trùng trong nửa tháng.
Bên cạnh đó, chị sử dụng đệm lót trong chăn nuôi gà nhằm giúp khử mùi, không khí chuồng trại luôn khô thoáng. Giống gà được chị nuôi là gà ta, đây là loại giống cho thịt săn chắc, thơm ngon, được thị trường rất ưa chuộng.
Chị Phạm Thị Huệ (ở thôn 2, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) chăm sóc trại gà của gia đình. Ảnh: Mỹ Hạnh
Thêm vào đó, gà được nuôi trên đất vườn, đồi nên đảm bảo môi trường luôn khô ráo. Đặc biệt, vào mùa hè, nhiều cây xanh trong trại đã tạo môi trường thoáng mát, sạch sẽ, tăng hiệu quả phòng bệnh cho vật nuôi.
Trong gia trại của mình, chị Phạm Thị Huệ phân thành từng khu để thả nuôi gối nhiều lứa gà với độ tuổi khác nhau.
Bình quân mỗi tháng, chị Huệ sẽ xuất bán 1 lần, mỗi lần khoảng 1.500 con, cung cấp cho các tỉnh Gia Lai, Đà Nẵng. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về lãi ròng từ 15 - 20 triệu đồng mỗi tháng. Quá trình chăn nuôi, chị còn tận dụng phân gà bán cho người dân để phục vụ trồng trọt.
Bình quân mỗi tháng, chị xuất khoảng 90 - 100 bao phân và thu về 1,5 triệu đồng từ phân gà (15.000 - 16.000 đồng/bao). Ngoài cung cấp gà thịt cho thị trường, chị Huệ còn nuôi 15 con lợn, ốc bươu đen, trồng ớt, đậu phộng, ổi rubi...
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, các nguồn thu từ nuôi gà thả vườn, nuôi ốc, nuôi heo, các loại cây ngắn ngày giúp chị có vốn để đầu tư phát triển trồng rừng và dự định sắp tới sẽ mua thêm đất để mở rộng gia trại.
Với sự chăm chỉ, chịu khó trong chăn nuôi, đến nay đời sống của gia đình chị Huệ đã trở nên khá giả, nuôi 3 con ăn học và có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó chị còn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà thả vườn cho hộ dân trong và ngoài xã có nhu cầu.