Đến nay, 150 hợp tác xã ở Phú Thọ đã có sản phẩm hàng hóa, trong đó có 127 sản phẩm do hợp tác xã sản xuất đạt OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 49,03% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh.
Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, tỉnh Phú Thọ hiện có 237 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên của 160 chủ thể ở 126 xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, trong đó có đến 127 sản phẩm của HTX sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP (gồm 30 sản phẩm 4 sao, 97 sản phẩm 3 sao), chiếm 49,03% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh.
Là một trong ít những chủ thể tham gia chương trình OCOP đầu tiên của tỉnh Phú Thọ từ năm 2019, sản phẩm "Mì gạo Hùng Lô sinh ra từ làng" và "Mì gạo Hùng Lô loại đặc biệt" của HTX Mì gạo Hùng Lô (ở xã Hùng Lô, TP.Việt Trì, Phú Thọ) hiện được nhiều người tiêu dùng biết đến với chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Hiện HTX mì gạo Hùng Lô có 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao (Mì gạo Hùng Lô sinh ra từ làng, Mì phở Hùng Lô loại đặc biệt và Mì gạo Hùng Lô loại đặc biệt). Kể từ khi được gắn sao OCOP, giá trị các sản phẩm của HTX đều gia tăng gấp đôi với trước đây.
Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mì gạo Hùng Lô cho biết: "Việc sản phẩm mì gạo Hùng Lô tham gia và đạt chứng nhận OCOP đã tạo ra hướng đi mới, hiệu quả hơn trong quy trình sản xuất, kinh doanh của HTX, giúp sản phẩm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có đủ điều kiện để tham gia vào hệ thống các siêu thị và cơ hội để vươn ra thị trường xuất khẩu..."
Theo ông Khôi, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã có mặt trên kệ hàng siêu thị lớn như WinMart, CoopMart, nhiều đại lý bán lẻ, cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi thông qua các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, giaothuong.net.vn...
Từ năm 2022, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã được xuất bán sang thị trường Nhật Bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần quảng bá, đưa thương hiệu nông sản truyền thống, đặc sản của Việt Nam vươn xa.
Tại huyện Thanh Ba, HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên (xã Đỗ Xuyên) được xem là một trong những đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP. Bộ sản phẩm mâm bồng, khay họa tiết gắn trai, bình hoa Con Rồng cháu Tiên… được làm thủ công từ tre, nứa của HTX Đỗ Xuyên đã gây ấn tượng mạnh tại nhiều hội chợ, triển lãm bởi đường nét chế tác tinh xảo cùng chất lượng đạt tiêu chuẩn cao.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc HTX Đỗ Xuyên cho biết, HTX hiện có 8 sản phẩm được tỉnh Phú Thọ công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao (gồm Bình hoa - Con Rồng cháu Tiên, bình hoa - ươm mầm phát triển, bình hoa - trăm hoa đua nở, mâm bồng, mâm nứa chắp - tre xanh Việt Nam, khay vuông họa tiết gắn trai, khay tròn mùa xuân nông thôn mới, khay biển bạc). Sản phẩm OCOP của HTX chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và 1 số nước châu Âu.
"Mỗi năm, HTX Đỗ Xuyên sản xuất hàng triệu sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, doanh thu đạt hơn 8 tỷ đồng/năm. HTX Đỗ Xuyên đã tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động trong xã với thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tạo việc làm cho 2 người khuyết tật với thu nhập 3 triệu đồng/tháng/người.
Tham gia chương trình OCOP không chỉ giúp HTX mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập người lao động mà ý tưởng chế tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX lấy họa tiết dòng sông Lô, cây cọ, đồi chè, Con Rồng cháu Tiên… - những hình ảnh đặc trưng của vùng đất Tổ. Khi sản phẩm này xuất hiện trên thị trường, đến tay khách hàng, ai cũng sẽ nhận diện và biết đến đây là sản phẩm do HTX Đỗ Xuyên sản xuất, biết đến vùng Đất Tổ Vua Hùng", bà Hoa nói.
Thành công của HTX mì gạo Hùng Lô và HTX thủ công mỹ nghệ tre nứa Đỗ Xuyên cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển sản phẩm OCOP. Điều này càng được khẳng định, khi thông qua thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 237 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên thì có đến 127 sản phẩm là thành quả của các HTX, chiếm 49,03% tổng sản phẩm OCOP hiện có.
Những số liệu trên cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã và đang có đóng góp rất tích cực cho mục tiêu Chương trình OCOP của Phú Thọ. Việc có nhiều HTX phát triển sản phẩm để tham gia dự thi hàng năm cũng cho thấy Chương trình OCOP tạo nên một sân chơi bình đẳng, minh bạch và không kém phần sôi động giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của ông Vũ Quốc Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, sản phẩm OCOP của các HTX rất đa dạng, hiện đang góp mặt tại hầu hết các nhóm lĩnh vực, từ thực phẩm, đồ uống, thảo dược, đến may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng không chỉ có vậy, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ các HTX còn rất lớn.
Để thúc đẩy phát triển các HTX gắn với Chương trình OCOP đến năm 2025, ông Tuấn cho rằng, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của các HTX. Theo đó, trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã, tập trung hỗ trợ HTX xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Chú trọng đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.
Về phía Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để thành viên các HTX hiểu biết đầy đủ mục đích, ý nghĩa, từ đó tích cực phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh, TP nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo động lực phát triển cho các HTX trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.