Hiện nay, tại một số huyện như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) có sâu đo ăn lá quế, gây hại mạnh trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, có nơi đến 200 con/cây. Ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, diệt trừ không để loài sâu đo lan ra diện rộng.
Từ cuối tháng 3 đến nay, nhiều đồi quế tại xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Ca) bị sâu đo ăn lá gây hại mạnh. Sâu đo là loại gây hại theo đàn, đi đến đâu sẽ ăn trụi lá quế đến đó, để lại gân chính của lá (hiện tượng như cây bị chết).
Sâu hại làm cây suy giảm sinh trưởng và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho những loài sâu hại thứ cấp xâm nhập, gây hại. Sâu đo tuổi nhỏ (tuổi 1 - 2) hoạt động mạnh, nhả tơ di chuyển theo gió để gây hại. Loài này hiện chưa có biện pháp phòng trừ triệt để, thường gây hại trở lại vào những năm tiếp theo.
Phát hiện lác đác sâu đo ăn lá quế từ hơn chục ngày trước, gia đình ông Quan Văn Hành ở thôn Nậm Lúc Thượng (xã Nậm Lúc) đã phun thuốc phòng trừ. Tuy vậy, sâu vẫn phát sinh, gây hại mạnh khiến rừng quế hơn 6 năm tuổi của gia đình ông bị trụi lá.
"Khi phát hiện có sâu ăn lá gây hại, tôi đã mua thuốc về phun nhưng sâu chỉ giảm chứ không hết. Hiện gần 3 ha quế của gia đình bị sâu gây hại mạnh, khó có khả năng phục hồi..", ông Quan Văn Hành cho biết.
Xã Nậm Lúc hiện có hơn 90 ha quế bị sâu bệnh gây hại, trong đó diện tích bị nhiễm nặng và rất nặng chiếm 50%.
Ngay khi xuất hiện sâu bệnh gây hại, UBND xã đã thành lập Tổ kiểm tra, hướng dẫn Nhân dân phòng trừ. Theo đó, tổ thường xuyên kiểm tra diện tích sâu bệnh hại quế, diễn biến tình hình và tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ.
Hơn 150ha quế trồng tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai bị loài sâu đo tấn công, phá hại.
Chị Giàng Thị Vân, cán bộ khuyến nông xã Nậm Lúc cho biết: Hằng ngày, tôi có mặt ở các thôn, đến từng hộ dân có diện tích quế bị nhiễm sâu bệnh để hướng dẫn cách phòng trừ.
Theo đó, đối với diện tích quế hữu cơ thì phun chế phẩm sinh học hoặc hoạt chất sinh học để cân bằng hệ sinh thái và tuyệt đối không phun thuốc hóa học ảnh hưởng đến chất lượng của quế hữu cơ.
Đồng thời, tiến hành phát dọn cỏ dại ở các đồi quế, tỉa thưa cây, cành, xới đất xung gốc cây để diệt nhộng, ấu trùng trong đất. Đối với diện tích bị sâu đo gây hại mạnh, tiến hành phun đồng loạt, khoanh vùng để ngăn chặn sâu lây lan sang diện tích khác và phun nhắc lại lần 2 sau 7 - 10 ngày.
Đến nay, hơn 80% diện tích quế bị nhiễm sâu bệnh trên địa bàn xã Nậm Lúc đã được phun thuốc phòng trừ. Nhiều hộ đã chủ động thuê thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu trên diện rộng và phun tại diện tích quế 6 - 7 năm tuổi. Nhiều hộ dân chủ động khai thác những đồi quế đến tuổi để tránh sâu bệnh gây hại.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Hà có hơn 140 ha quế bị sâu gây hại (sâu đo ăn lá, sâu róm, bọ cánh cứng, sâu đục ngọn quế), trong đó đối tượng sâu đo ăn lá quế gây hại mạnh (hơn 110 ha). Diện tích bị gây hại chủ yếu tại các xã: Nậm Lúc, Nậm Đét, Cốc Lầu, Bản Cái…
Để trừ sâu bệnh, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã kiểm tra thực địa, tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng trừ và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho chủ rừng phun kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Đối với những đồi quế hơn 6 năm tuổi không thể phun thủ công, huyện đã hướng dẫn người dân phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái.
Tại huyện Văn Bàn, các đối tượng sâu bệnh cũng phát sinh và gây hại trên cây quế tại các xã Thẳm Dương, Võ Lao, Sơn Thủy, Nậm Dạng... với tổng diện tích hơn 150 ha, trong đó có 5 ha nhiễm rất nặng, 68 ha nhiễm nặng.
Cơ quan chuyên môn của huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc trừ sâu hợp lý, phát dọn rừng quế để tạo độ thông thoáng và dùng bẫy đèn bẫy bướm.
Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 385 ha quế bị sâu bệnh gây hại, chủ yếu là sâu đo ăn lá tại các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn, Mường Khương. Trong đó, có 73 ha quế bị gây hại rất nặng và 122,5 ha bị gây hại nặng, diện tích còn lại bị gây hại ở mức trung bình và nhẹ.
Rừng quế bị sâu hại sẽ sinh trưởng, phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Diện tích quế bị sâu hại nặng và rất nặng có thể bị chết.
Ngay khi phát hiện sâu bệnh gây hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình sâu bệnh và có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê báo cáo.
Cùng với đó, sở đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 4 huyện (Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn) và 12 xã có diện tích quế bị sâu gây hại lớn.
Cùng tham gia cuộc họp có đại diện của Công ty Hương gia vị Sơn Hà, Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) để nắm tình hình sâu bệnh và thống nhất một số giải pháp phòng trừ trên cây quế.
Các biện pháp được khuyến cáo diệt trừ sâu đo hại quế như: Xới xung quanh gốc cây để diệt nhộng, ấu trùng trong đất; bắt, diệt sâu non khi sâu mới nở còn co cụm ở một chỗ trên thân hoặc lá cây; rung cây cho sâu rơi xuống đất và tiến hành bắt, giết; dùng bẫy đèn để dẫn dụ ánh sáng bẫy bướm (ngài) trưởng thành, dùng vợt bắt và đem tiêu diệt (đây là biện pháp mang lại hiệu quả cao, an toàn song cần tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, phát động toàn dân áp dụng thì mới đem lại hiệu quả).
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phun trừ sâu, vừa tồn lưu lâu dài trong rừng vừa bảo vệ thiên địch ký sinh, không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường. Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi mật độ sâu hại cao và trên diện tích quế không nằm trong vùng quế hữu cơ.
Về lâu dài, để hạn chế sâu bệnh phát sinh, gây hại thì cần áp dụng biện pháp trồng luân canh các loại cây lâm nghiệp và trồng xen canh cây quế với các loại cây lâm nghiệp khác.
"Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang triển khai đề tài khoa học về nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây quế. Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) để nghiên cứu các giải pháp đồng bộ về phòng trừ các loại sâu bệnh hại quế...", ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết.