Nghiên cứu cho thấy những quân nhân nhận dòng điện nhẹ chạy qua não làm việc hiệu quả hơn và khả năng thực hiện đồng thời nhiều công việc tốt hơn.
Các quân nhân thực hiện nhiệm vụ tốt hơn khi có dòng điện chạy qua não. Ảnh:Michaela Rehle.
Một nhóm nghiên cứu vừa công bố kết quả thí nghiệm đưa dòng điện nhẹ chạy qua não quân nhân để cải thiện hiệu suất hoạt động trí óc của họ trên tạp chí Frontiers In Human Neuroscience hôm 4.11.
Các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật kích thích dòng điện trực tiếp xuyên hộp sọ (tDCS) trên 20 thành viên thuộc lực lượng không quân Mỹ. Kỹ thuật tDCS bao gồm việc đặt điện cực bên ngoài hộp sọ để dùng dòng điện kích thích các tế bào thần kinh tại vùng não bộ cụ thể.
Trong thí nghiệm kéo dài 36 phút, một nửa số người tham gia được truyền dòng điện liên tục 2 mA vào phần vỏ não tiền trán vùng lưng bên trái (IDLPFC), vùng liên quan đến hoạt động của bộ nhớ. Nửa còn lại chỉ được kích thích trong hai phút trước khi bắt đầu nghiên cứu.
Tất cả 20 người sau đó thực hiện một nhiệm vụ nhằm kiểm tra khả năng tập trung và đảm nhận nhiều công việc cùng lúc của họ. Nhóm nghiên cứu yêu cầu những người tham gia giữ tâm ngắm ở trung tâm của một vòng tròn di chuyển, đồng thời theo dõi các yếu tố khác xuất hiện trên màn hình.
Sau 4 phút thử nghiệm, những người được kích thích vùng IDLPFC bắt đầu làm tốt hơn nhóm còn lại. Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đánh giá lượng dữ liệu những người tham gia có thể xử lý tại thời điểm hiệu suất hoạt động của họ ổn định. Kết quả cho thấy những người được áp dụng kỹ thuật tDCS có tỷ lệ xử lý dữ liệu cao hơn 30% so với những người khác.
"Điều này chứng tỏ kỹ thuật tDCS có thể nâng cao khả năng thực hiện đồng thời nhiều công việc của người điều khiển", nhóm nghiên cứu kết luận.
Tuy nhiên, dù chưa phát hiện tác dụng phụ nhưng nhiều nhà thần kinh học lo ngại rằng kỹ thuật này có thể mang nguy cơ tiềm ẩn bởi việc can thiệp bằng dòng điện vào một phần não bộ có thể để lại hậu quả cho chức năng nhận thức tổng thể.