Đưa Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương đến đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm - Ảnh 1.

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai ở tất cả các vùng miền, ảnh hưởng đến mọi đối tượng, nhất là người dân ở các vùng khó khăn. Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các đoàn thể chính trị - xã hội và cả cộng đồng với tinh thần "lá lành đùm lá rách" đã rất quan tâm và có nhiều chính sách cho việc đầu tư, hỗ trợ, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.

Đưa Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương đến đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm - Ảnh 2.

Tuy nhiên, những nguồn lực đó so với yêu cầu thực tiễn còn thiếu rất nhiều. Chính vì thế, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ PCTT. Đầu tiên là Quỹ PCTT tại các địa phương với sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, cá nhân. Để khi thiên tai xảy ra, chúng ta sẵn sàng nguồn lực để ứng phó tốt hơn, đảm bảo khắc phục hậu quả đúng nơi, đúng lúc.

Đưa Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương đến đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm - Ảnh 3.

Sau 06 năm triển khai tại các địa phương, Quỹ PCTT đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau thiên tai và một số hoạt động tuyên truyền, tu sửa công trình phòng, chống thiên tai tại các cấp khi ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt đông, Quỹ đã bộc lộ một số hạn chế như ngân sách của Quỹ chưa được sử dụng hoặc sử dụng quá ít để chi cho hoạt động PCTT. Điều này đến từ việc đội ngũ cán bộ cấp Tỉnh hầu như đều kiêm nhiệm, không được bồi dưỡng trình độ chuyên môn. Đồng thời, nhiều địa phương bị động, lúng túng trong viêc triển khai Quỹ do các quy định tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa đầy đủ và đồng bộ.

Đó là lý do Nghị định 78/2021/NĐ-CP được thành lập và Quỹ PCTT Trung ương được Chính phủ ban hành, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại hợp pháp tại Việt Nam. Đây là nơi tiếp nhận đóng góp tự nguyện, hỗ trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài với hoạt động công khai, minh bạch, không lợi nhuận theo đúng quy định của pháp luật và điều tiết nguồn lực hỗ trợ cho các Tỉnh khó khăn về ngân sách, thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. Đặc biệt ưu tiên tập trung cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp và cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đưa Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương đến đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm - Ảnh 5.

Nghị định 78/2021/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực từ ngày 15/9/2021 với một số điểm mới dựa trên cơ sở không lợi nhuận, công khai, minh bạch, nỗ lực hoàn thiện, phát triển, kết nối những tấm lòng, sự đóng góp nhân ái để mang đến những cơ hội giúp đỡ người dân và địa phương vùng thiên tai.

Đưa Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương đến đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm - Ảnh 6.

Thứ nhất, thành lập Quỹ PTCC Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Quỹ PCTT Trung ương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó bộ máy quản lý và điều hành Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và cơ quan quản lý Quỹ. Quỹ trung ương được thành lập để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đóng góp tự nguyện, hỗ trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết nguồn lực hỗ trợ từ những tỉnh có tồn dư Quỹ cấp tỉnh lớn cho các tỉnh khó khăn về ngân sách, khu vực miền núi, ven biển. Ngoài ra, nội dung chi của Quỹ trung ương tập trung cho các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai và không trùng lặp với các nội dung chi của Quỹ cấp tỉnh.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay đang chuẩn bị ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý quỹ. Hội đồng do trực tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ tịch. Cùng với đó, Ban kiểm soát quỹ do Thanh tra Bộ và các cơ quan chuyên môn hiểu biết về tài chính, chứng từ thanh quyết toán phụ trách. Cơ quan quản lý quỹ do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đứng đầu. Thời điểm này cũng đang là cao điểm mưa lũ, bão, ngay khi tiếp nhân các nguồn đóng góp, Quỹ sẽ nhanh chóng được triển khai hỗ trợ ngay cho người dân các khu vực bị thiệt hại do thiên gây ra.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai

Thứ hai, Nghị định tập trung sửa đổi những khó khăn vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 và Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 như cơ cấu tổ chức; bổ sung đối tượng miễn, giảm, tạm hoãn; giảm 50% mức đóng góp bắt buộc của công dân trong độ tuổi quy định; quy định mức giảm đóng góp của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung thêm một số nội dung chi như: hỗ trợ thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai; phổ biến tuyên truyền giáo dục, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương và cộng đồng; tập huấn và duy trì hoạt động cho lực lượng tình nguyện viên phòng, chống thiên tai; mua bảo hiểm rủi ro thiên tai cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và một số nội dung phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai; hỗ trợ cho lực lượng thường trực trực ban, chỉ huy, chỉ đạo ứng phó thiên tai.

Đưa Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương đến đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm - Ảnh 8.

Việc thành lập Quỹ PCTT Trung ương là rất thiết thực cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nghị đinh 78/2021/NĐ-CP ra đời đã khắc phục một trong những hạn chế lớn nhất của Quỹ PCTT cấp tỉnh, đó là vấn đề quản lý, thu chi. Khi thu Quỹ, nhiều địa phương đã triển khai theo đúng quy định của Nghị định 78 hiện nay, đó là phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của Cục Thuế địa phương, đảm bảo nguồn quỹ được hoạt động đúng, đủ.

Mặt khác, việc quy định các địa phương có thể chia sẻ nguồn Quỹ với nhau cũng là điều kiện để những nơi còn khó khăn có thêm nguồn Quỹ từ các địa phương có tiềm lực kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, Quỹ Trung ương cũng tập trung triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai và không trùng lặp với các nội dung chi của Quỹ cấp Tỉnh.

Đưa Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương đến đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm - Ảnh 9.

Cùng với đó, việc Nghị định 78 mở rộng thêm phạm vi chi của Quỹ từ 1 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng, cấp huyện, xã được trích lại 20% nguồn thu để xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh khi có thiên tai đã tạo nên sự chặt chẽ trong các khoản chi. Đặc biệt, hàng tháng ngân sách của Quỹ sẽ được công khai, minh bạch trên mạng xã hội, đây là điều mà chưa có Quỹ nào làm được. Điều này giúp mỗi đồng tiền, vật phẩm mà nhân dân quyên góp với tấm lòng yêu thương lẫn nhau sẽ đến được đúng địa chỉ cần kíp nhất. Sự công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng tạo nên niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, tập thể, khuyến khích các nhà hảo tâm đóng góp nhiều hơn vì cộng đồng.

Với "sứ mệnh" là cầu nối quan trọng giữa các nhà hảo tâm với vùng thiên tai, Quỹ PCTT Trung Ương ra đời kịp thời hỗ trợ những người dân ở vùng thiên tai đang đứng trước hiểm nguy vượt qua khó khăn. Cùng với đó là khắc phục vấn đề thiếu minh bạch và thiếu chuyên nghiệp của những hoạt động thiện nguyện tự phát thời gian vừa qua, lấy lại niềm tin của người dân đối với hoạt động từ thiện và là nơi san sẻ yêu thương, gửi gắm những tấm lòng.

Thực hiện: Phương Nga - Hải Yến