Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Sản xuất sợi vải spandex từ mía và bắp tại Việt Nam, tập đoàn Hàn Quốc ôm tham vọng lớn
"Đại gia" Hàn Quốc này sẽ dùng đường thô từ mía hay bắp và công nghệ hiện đại để sản xuất sợi sinh học BDO tại một nhà máy rồi mang đến một nhà máy khác gần đó để làm ra sợi vải spandex có tính đàn hồi cao. Cả hai nhà máy – một sản xuất nguyên liệu, một làm ra thành phẩm – đều không xa TP.HCM.
Hiện nay, Hyosung đang triển khai dự án nhà máy sợi sinh học BDO (tên đầy đủ: Butanediol) trị giá gần 730 triệu USD (một nghìn tỷ won) tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại. Đường thô thay thế hoàn toàn nguyên liệu truyền thống như than đá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo tập đoàn, BDO cũng có thể được sử dụng trong các lĩnh vực chế tạo nhựa kỹ thuật, nhựa trong ngành ô tô, bao bì phân hủy sinh học, đế giày dép, các hợp chất công nghiệp và các lĩnh vực khác.
Trong chuỗi cung ứng toàn cầu của "đại gia" Hàn Quốc, nhà máy mới tại Phú Mỹ sẽ có tên là dự án BDO Hyosung với công suất 200.000 tấn/năm. Nhà máy của Hyosung tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) giáp Phú Mỹ sẽ chế tạo sợi vải spandex từ nguyên liệu BDO kế bên.
Như vậy, hệ thống sản xuất hoàn chỉnh sợi vải spandex được tối ưu hóa để phục vụ tệp khách hàng trong thị trường dệt may bền vững toàn cầu của Hyosung. Theo dự kiến, nhà máy BDO Hyosung sẽ bắt đầu sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2026 với công suất 50.000 tấn/năm, bằng 25% tổng công suất toàn phần.
Hyosung đến nay đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4 tỷ USD nhưng đang rót thêm vốn vào thị trường quan trọng này, trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn sản xuất chiến lược, Phó Chủ tịch Lee Sang Woon của Hyosung nói tại tỉnh ngày 30/3/2024.
Ông Lee đánh giá cao môi trường đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhấn mạnh nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc đồng hành và hỗ trợ tối đa nhà đầu tư. Đơn cử, Hyosung đang triển khai một cách thuận lợi 1 dự án lớn tại tỉnh để sản xuất sợi carbon, là nhà máy trực thuộc công ty Vật liệu tiên tiến Hyosung (Hyosung Advanced Materials), không thuộc nhánh hóa chất.
Việt Nam là cứ điểm quan trọng của Hyosung
Bắt đầu bằng việc sản xuất một số nguyên liệu cho săm và lốp tại Việt Nam năm 2007, Chủ tịch Cho Hyun-joon của tập đoàn đóng vai trò then chốt cho những quyết định liên quan đến kinh doanh tại Việt Nam trong 17 năm qua.
Ông Cho là một trong 205 lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thăm Việt Nam cuối tháng 6/2023 để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Theo Hyosung, từ những năm 2000, ông Cho đã bắt đầu chú ý đến tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam để xây dựng chiến lược biến Việt Nam làm cứ điểm sản xuất các sản phẩm chủ lực, và từng bước thực hiện chiến lược này.
Doanh nghiệp đầu tiên ra đời từ các quyết định của ông là công ty Hyosung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), chuyên hóa chất và hạt nhựa. Tiếp đó là một nhà máy khác cũng ở Đồng Nai khai trương năm 2015.
Cuối năm 2021, Hyosung Vina khánh thành tổ hợp sản xuất nhựa Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung, với sức chứa 240.000 tấn tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ. Các nhà máy này đều ưu tiên sử dụng lao động địa phương.
Tổng công suất thiết kế sản xuất nhựa PP là 650.000 tấn/năm, với tỷ lệ sử dụng trong nước và xuất khẩu gần tương đương 50:50. Nhờ đó, Việt Nam được ghi nhận là một nguồn cung cấp PP cho thế giới.
Ngày 30/3 vừa qua, Phó Chủ tịch Lee của Hyosung nhận giấy phép để tăng vốn 49 triệu USD vào tổ hợp này, nâng tổng mức đầu tư dự án lên 1,6 tỷ USD. Như vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là địa bàn nhận được vốn Hyosung nhiều nhất trong số các tỉnh, thành phố mà chaebol Hàn Quốc này đang rót vốn.