Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Sông Sài Gòn - con rồng kinh tế và văn hóa
Và rồi những lần được đi thuyền trên đường nước mênh mông và êm ả của nó, tôi càng nhận ra dòng sông giống một con RỒNG kiều diễm và khỏe khoắn.
Thật bất ngờ, khi biết sử xưa đã gọi tên phần trên dòng sông là Phước Long Giang - có nghĩa là "con rồng phước đức". Còn phần dưới dòng sông đổ ra biển có tên là Tân Bình Giang - nơi chốn an bình mới. Cả hai cái tên của một dòng sông đều tạo ấn tượng quý phái và thiêng liêng. Trong khi ấy, bao đời nay người dân vẫn quen cái tên mộc mạc là sông Sài Gòn, bởi đó cũng là dòng sông sinh thành chốn đô hội Sài Gòn, từ hàng trăm năm trước.
Câu chuyện con rồng - sông Sài Gòn đâu phải là huyền thoại, nói cho vui để "tự sướng". Soi chiếu lịch sử, ta vẫn nhận ra đó là báu vật có thực, được tạo nên từ thiên nhiên trùng trùng giàu đẹp và lớp lớp xương máu, mồ hôi xây đắp của nhiều thế hệ.
Nhân lực tứ xứ, tụ hội đất lành
Cho đến nay, mặc dù sông Sài Gòn có phong phú muôn thú, tôm cá, thảo vật và khoáng sản nhưng tài nguyên lớn nhất của nó chính là dòng chảy và vị trí độc đáo. Bác học Petrus Trương Vĩnh Ký từng ví von: Sông như mạch máu trong mình người ta. Đúng vậy, sông Sài Gòn chính là mạch máu - thủy lộ bậc nhất kết nối được rừng núi - đồng bằng với đại dương của cả một miền đất bao la. Nói cách khác, giao thông liên vùng là thế mạnh hàng đầu của dòng sông Sài Gòn và các vùng đất kế cận.
Các giá trị văn hóa cũ và mới, đã và đang tạo nên vùng văn hóa Sài Gòn đặc sắc, rất cần được nuôi dưỡng đầy đủ và lâu dài qua những công trình cụ thể như trên. Có lẽ biểu tượng xứng đáng cho vùng kinh tế - văn hóa sông Sài Gòn rộng lớn không gì khác là hình ảnh con rồng thăng hoa mà người viết mong rằng nay mai sẽ xuất hiện rộng rãi trong xã hội, do chính giới trẻ thiết kế và phổ biến!
Con sông xuất phát từ núi rừng Đồng Nai thượng, vẫy vùng tìm đến cửa biển Cần Giờ, kéo dài hơn 250km. Dòng nước trong xanh của nó tiếp sức cho cả một lưu vực rộng lớn, hơn 5.000km2. Nghĩ đến sông Sài Gòn là nghĩ đến một không gian phát triển liên tuyến bao gồm các tỉnh là Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai và TP.HCM. Riêng đoạn sông qua TP.HCM có đến 80km, chiếm gần 1/3 chiều dài toàn tuyến. Mặt khác, sông Sài Gòn là một phần quan trọng của hệ thống sông Đồng Nai rộng lớn, liên quan cả Nam Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Dòng sông Sài Gòn lại là dòng sông sâu, nơi sâu nhất là 20m, nơi rộng nhất là hơn 200m, rất thuận tiện cho tàu thuyền lớn nhỏ ngược xuôi. Kể cả cho việc xây dựng thương cảng, quân cảng và các xưởng đóng tàu, khu chế xuất, kho bãi. Thêm nữa, cửa Cần Giờ - nơi sông Sài Gòn hòa biển là một hải khẩu trọng yếu của dải duyên hải từ Bình Thuận đổ vào miền Tiền Giang và Hậu Giang. Từ Cần Giờ đi thẳng Côn Đảo chỉ khoảng 180km. Cảng thị Sài Gòn rất gần gũi với các cảng thị Singapore, Jakarta, Manilla, và Hongkong, về khoảng cách địa lý, cũng như văn hóa,…
Sông Sài Gòn là kho báu thứ nhất, tạo hóa ban cho. Còn kho báu thứ hai là do chính khối óc và bàn tay của con người kiến tạo. Không phải ngẫu nhiên, vào năm 1620, triều đình chúa Nguyễn và Chân Lạp trở thành sui gia, kết giao quan hệ chính thức. Để rồi ba năm sau (1623), chúa Nguyễn được đưa quân binh vào đặt đồn thu thuế ở Kras Krobey - người Việt gọi là vàm Bến Nghé ngay bên dòng sông Sài Gòn. Hơn 40 năm sau, năm 1679, chúa Nguyễn lại đưa người Hoa - gia binh nhà Minh lưu vong đến Biên Hòa - khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn và Mỹ Tho - khu vực tiếp giáp hạ nguồn, để khai khẩn và xây đắp kinh tế.
Lần hồi, ba phố thị liên hoàn bên sông Bến Nghé - Biên Hòa - Mỹ Tho trở thành "kiềng ba chân" vững trãi, giúp chúa Nguyễn lập ra Phủ Gia Định vào năm 1698, tức Nam bộ ngày nay. Từ ấy, một cộng đồng dân cư tân lập ra đời, bao gồm người Việt, người Khmer, người Chăm, người vùng cao Đồng Nai thượng và người Hoa di dân. Tất cả cùng cộng sinh và lớn dậy, cùng khai thác dòng sông trù phú. Bước sang thế kỷ 18, với đường nước thuận lợi, hàng hóa dồi dào, nhân lực chăm chỉ, chính quyền khoan dung, miền đất con rồng - sông Sài Gòn bắt đầu hội nhập với thời đại thương mại quốc tế (Commerce Age), được nhiều nước Đông Á và phương Tây biết đến.
Chuỗi ngọc quý ven sông biển
Vào nửa cuối thế kỷ 19, bằng trí lực của một cường quốc công nghiệp, người Pháp xâm chiếm toàn cõi Đông Dương. Về mặt quản trị, họ sớm đem đến các thể chế tân tiến và nguồn lực hùng mạnh. Tại Nam bộ, làn sóng phát triển kinh tế đã khai sinh hai chuỗi đô thị hiện đại - dọc sông biển. Chuỗi đô thị miền Đông, bao gồm hai thành phố đầu tàu song sinh Sài Gòn - Chợ Lớn cùng các thành phố Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu, là các trung tâm công nghiệp - thương mại và dịch vụ. Trong chuỗi đô thị này còn có một loạt đồn điền cao su - thực chất là các khu công nghiệp đơn ngành, có yếu tố đô thị. Còn chuỗi đô thị miền Tây bao gồm Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc và Cần Thơ là các trung tâm nông nghiệp và thương mại.
Cả hai chuỗi đô thị tân kỳ liên thông với nhau trước nhất qua hệ thống thủy lộ sông Đồng Nai và Mê Kông, cùng đường bộ và một phần đường sắt (Sài Gòn - Mỹ Tho, Sài Gòn - Biên Hòa, Sài Gòn - Lộc Ninh). Ngoài ra, còn có đường biển và sau này là đường không, tạo nên sức mạnh liên hợp nhiều mặt của hai chuỗi đô thị kỳ thú.
Nhờ đấy, toàn Nam bộ trở thành "đại công xưởng" lúa gạo, thực phẩm, cây công nghiệp và hàng tiêu dùng của cả dải đất chữ S. Trong đó, Sài Gòn là thủ phủ với dòng sông và thương cảng nhộn nhịp, là phương tiện và cửa ngõ xuất khẩu 2/3 hàng hóa của Đông Dương ra nhiều châu lục. Sài Gòn trở thành vị trí không thể thiếu trên bản đồ hàng hải thế giới và hệ thống cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu.
Viễn cảnh "Long vân khánh hội"
Đã sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, cuộc tranh đua ở Đông Nam Á và thế giới ngày càng chuyển biến mạnh mẽ. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đang gia tăng cũng là thời điểm con rồng - sông Sài Gòn có thêm cơ hội và nguồn lực để tiếp tục cất cánh, lên đỉnh rồng mây gặp gỡ.
Những năm gần đây, chính phủ trung ương và nhiều tỉnh thành đã thấy sự quan trọng của hợp tác phát triển kinh tế - xã hội nội vùng và liên vùng. Vào tháng 7 năm 2023, nhà nước thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ do Thủ tướng làm chủ tịch. Đây là cơ hội và định chế để lãnh đạo và bộ máy chuyên môn của các tỉnh thành dọc sông Sài Gòn có thể chia sẻ, bàn thảo các ý tưởng và giải pháp phối hợp cho những dự án phát triển - không thể đóng khung trong một không gian hạn hẹp.
Với TP.HCM, từ 2020, chính quyền bắt đầu đặt hàng các sở chuyên ngành và nhiều chuyên gia nghiên cứu khởi thảo các ý tưởng phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn cho các mục tiêu trung hạn và dài hạn. Tham gia nghiên cứu cho dự án lớn lao này còn có các chuyên gia của Pháp (Viện Quy hoạch Paris, Lyon…) và một số nước khác. Đặc biệt, báo chí và một số đại học cũng đã tham gia khuấy động nhu cầu nhìn nhận lại thế mạnh của sông Sài Gòn và khơi gợi các định hướng phát triển mới từ trong dân, thông qua nhiều hội thảo, chuyến đi khảo sát và thi ý tưởng thiết kế.
Đến nay, để con rồng - sông Sài Gòn tiếp tục thăng hoa trong 50 năm tới, có nhiều vấn đề thiết thực đã và đang được đặt ra. Trước nhất, đó là việc chống ô nhiễm và tái tạo thiên nhiên cùng cảnh quan xinh đẹp cho dòng sông và các đường nước. Đây là vấn đề số một, liên quan đến phòng chống biến đổi khí hậu và thực hiện zero carbon của toàn thế giới. Qua đấy, xã hội cần có nhận thức chung và các giải pháp quyết liệt về trồng cây và quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên ven sông nước. Đồng thời phải ngăn chặn triệt để việc xây dựng các công trình thương mại và nhà ở lấn chiếm sông rạch và bờ biển. Mặt khác, nhà nước cần tính đến việc xây dựng các con đường hành lang dọc theo sông Sài Gòn ở quy mô thích hợp. Liên quan đến đề xuất xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ, việc làm đường nối kết như thế nào để không ảnh hưởng đến khu sinh quyển Rừng Sác là điều cần kết luận sớm.
Kế đến là việc quy hoạch chỉnh trang và xây dựng mới các tuyến đường, bến cảng, bến phà, bến đò, cầu cống và các khu công nghiệp, khu giáo dục, khu sinh hoạt văn hóa… dọc theo sông, kinh rạch. Các cơ sở hạ tầng này ngoài mục tiêu ổn định dân cư, cần được thiết kế để phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu và ngành nghề mới như kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Đặc biệt, với kinh tế di sản, sông Sài Gòn là một tài nguyên tích hợp khổng lồ liên quan nhiều thời kỳ lịch sử và văn hóa, từ khai sơn, phá thạch đến xây đắp đô thị và kháng chiến chống ngoại xâm.