Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Starbucks âm thầm mở một loạt cửa hàng mới, đấu với Highlands, The Coffee House...
Chỉ trong vòng tuần đầu tiên của tháng 11, Starbucks liên tục khai trương 4 cửa hàng mới tại Việt Nam, gồm 2 cửa hàng tại TP.HCM, 1 cửa hàng tại Hà Nội và 1 cửa hàng ở Đà Nẵng.
Tại TP.HCM, các cửa hàng mới của Starbucks nằm tại Hùng Vương Plaza và tòa nhà CII Tower HCM. Đây đều là hai tòa nhà vừa mới đi vào hoạt động tại TP.HCM.
Starbucks Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội là cửa hàng cộng đồng (Community Store) đầu tiên của Starbuck tại thị trường Việt Nam, Ảnh: Starbucks
Trong khi đó, tại Hà Nội, cửa hàng Starbucks nằm ngay trên phố Nguyễn Hữu Huân - con phố nổi tiếng với nhiều quán cà phê nổi tiếng thủ đô như cà phê Giảng, cà phê Lâm.
Starbucks Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội là cửa hàng cộng đồng (Community Store) đầu tiên của Starbuck tại thị trường Việt Nam. Cửa hàng sẽ hỗ trợ trực tiếp chương trình đào tạo nghề nghiệp cho thanh thiếu niên tại Hà Nội - kết hợp cùng tổ chức phi chính phủ REACH.
Đầu năm nay, Starbucks có 87 cửa hàng, họ đặt mục tiêu mở rộng 100 cửa hàng trong năm 2023. Mục tiêu này đã được Starbucks hoàn thành hồi tháng 9. Đáng chú ý, chưa dừng lại, “ông lớn” cà phê đến từ nước Mỹ đang liên tục mở rộng, nhất là giai đoạn cuối năm.
Dù chưa tiếp tục công bố các cửa hàng mới, nhưng tại TP.HCM, một số dự án mới ra mắt sắp tới đều cho biết có sự hiện diện của Starbucks.
Starbucks vào Việt Nam hồi tháng 2/2013 với cửa hàng đầu tiên ở Ngã sáu Phù Đổng, quận 1, TP.HCM. Hiện đây vẫn là một trong những cửa hàng nổi tiếng và đông đúc nhất của Starbucks tại thị trường Việt Nam.
Cửa hàng Starbucks tại Ngã sáu Phù Đổng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Phúc Minh
Sự xuất hiện của Starbucks tại thị trường Việt Nam từng khiến các đối thủ phải dè chừng. Tuy nhiên, đến nay sau đúng 10 năm, nếu so về độ phủ, con số hơn 100 cửa hàng của Starbucks hiện vẫn khá khiêm tốn.
Vì sao Starbucks rất thành công tại Mỹ và nhiều nước khác nhưng có phần e dè, thận trọng tại Việt Nam là chủ đề lớn được truyền thông và giới kinh doanh F&B quan tâm, thảo luận sôi nổi. Một số nguyên nhân được chỉ ra là do giá mỗi ly Starbucks khá cao, vị cà phê không phải gu người Việt, văn hóa cà phê Starbucks chưa phù hợp với người Việt…
Dù vậy, lớp người tiêu dùng trẻ với với mức thu nhập tốt, dễ tiếp nhận các luồng văn hóa mới, tiêu thụ kiểu mới đang giúp Starbucks và những thương hiệu ngoại khác ngày càng được ưa chuộng. Đây được xem là cơ hội của Starbucks tại Việt Nam, đấu lại với Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên...
Lãnh đạo Starbucks Việt Nam cũng cho biết họ nhìn thấy cơ hội từ những thị trường ngoài TP.HCM, Hà Nội, chẳng hạn như Bình Dương bởi nhu cầu công việc, cuộc sống của người lao động tiến tới như khu vực đô thị, hình thành xu hướng cà phê Starbucks.
Theo báo cáo của Starbucks, doanh thu thuần hợp nhất của chuỗi này trên toàn cầu trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào 2/10/2022) tăng 11% lên mức kỷ lục 32,3 tỷ USD. Trong năm tài chính 2023, tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 10 - 12%.