Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Dùng sợi gai, cà phê làm quần áo, dệt may Việt Nam đang trên đường “xanh hóa” ra thế giới
Sợi gai, cà phê làm quần áo
Bộ sưu tập thời trang từ sợi gai xanh tại Triển lãm Quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 đang diễn ra tại TP.HCM, gây chú ý với cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và thời trang. Đằng sau bộ sưu tập là một câu chuyện khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất bền bỉ, nghiêm túc của một doanh nghiệp Việt.
Bà Đỗ Thị Thúy - lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Gai Thiên Phước, cho biết phải mất khoảng 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm, nhiều lần thất bại, thì những tấm vải từ sợi gai xanh mới được ra đời. Hiện công ty cung cấp đầy đủ sợi gai, vải sợi gai, vải sợi gai pha, và có luôn các mẫu thiết kế theo yêu cầu của khách hàng.
Phân khúc định hướng là trung - cao cấp và xuất khẩu đi nhiều thị trường, như châu Âu, Nhật, Mỹ, Trung Quốc.
Vải từ sợi gai xanh được đánh giá có tính ứng dụng cao, đặc biệt bền vững, thân thiện với môi trường và đáp ứng được các tiêu chuẩn “xanh hóa” ngành dệt may trên thế giới hiện nay. Đáng chú ý, không chỉ phát triển sản phẩm, doanh nghiệp này còn chủ động được vùng nguyên liệu khoảng 6.000ha cây gai trên khắp Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030, công ty mở rộng vùng nguyên liệu lên tới 20.000ha.
Nhiều doanh nghiệp may mặc Việt cũng đang tập trung sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc từ tự nhiên theo yêu cầu “xanh hóa”, phát triển bền vững.
Công ty CP Kết nối thời trang Faslink nổi lên từ các loại quần áo được làm từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường, như sợi bạc hà, sợi cà phê. Các nguyên liệu này được sử dụng để sản xuất áo sơ mi, khăn và mũ nón rất thời trang với chất vải mịn, mát, phù hợp với khí hậu và thời tiết Việt Nam.
CEO Faslink Trần Hoàng Phú Xuân, cho biết công ty bắt đầu làm thời trang bền vững cách đây khoảng 10 năm. Nhưng phải đến gần đây, các sản phẩm các sợi sen, sợi cà phê mới thực sự được biết đến nhiều hơn. Các đơn hàng của công ty cũng tăng hơn so với giai đoạn đầu khi thời trang xanh, bền vững đang là xu thế chung của ngành dệt may thế giới.
Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi
Dệt may không chỉ là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, đạt hơn 40 tỷ USD/năm. Dệt may đang giải quyết việc làm cho 2,5 triệu lao động, thu nhập trung bình của người lao động khoảng 3.800 USD/năm.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn trong trong bối cảnh suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp không sớm thích ứng, nhất là chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, bền vững, sẽ rất khó đi vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ sau khi kinh tế phục hồi.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM), cho biết năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho ngành dệt may. Nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định.
Theo ông Nam, dự báo tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Các nhãn hàng ngày càng yêu cầu khắt khe về giá thành, chất lượng cùng yêu cầu tuân thủ các chính sách về phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải... Điều này buộc các doanh nghiệp phải sớm thích ứng.
Bà Nguyễn Thanh Ngân - Phó Trưởng ban Đầu tư và Phát triển thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cũng cho rằng ngành dệt may Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi khi cả thế giới đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Nếu đứng ngoài sự chuyển đổi này, các quốc gia nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam không lý gì chấp nhận sản phẩm đến từ Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định với các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, nhất là khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO với yêu cầu hợp tác thương mại, mà các yếu tố về môi trường - phát triển bền vững được xem ưu tiên hàng đầu thì rõ ràng, dệt may thuộc nhóm sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn “xanh hoá” trong sản xuất.
Theo ông Quân, bên cạnh sự phối hợp giữa các chủ thể như nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các bên có liên quan thì còn cần sự cộng đồng trách nhiệm, cùng tham gia giữa các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ số… trong quá trình chuyển đổi xanh hóa ngành dệt may Việt Nam.
Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp dệt may sẽ gặp nhiều thách thức
12/03/2023 18:11Doanh nghiệp dệt may nỗ lực tìm đơn hàng
20/02/2023 12:05