Sự thật bất ngờ về Lương Sơn Bạc

Thứ ba, ngày 19/07/2022 14:32 PM (GMT+7)
Cuộc nổi dậy ở Lương Sơn Bạc do Tống Giang lãnh đạo chỉ là một trong hơn 100 cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra trong suốt triều Tống. Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận về quy mô cuộc khởi nghĩa này.
Bình luận 0

Truyện và phim Thủy hử đều khắc họa đầy đủ, rõ nét 108 vị anh hùng Lương Sơn do Tống Giang đứng đầu, đây là điều mà ai ai cũng biết. Trên thực tế, trong 100 cuộc khởi nghĩa nông dân thời Tống, cuộc khởi nghĩa do Tống Giang lãnh đạo cho dù về quy mô hay tác động đến nhà cầm quyền triều Tống đều rất nhỏ.

Thủy hử: Sự thực về Lương Sơn Bạc - Ảnh 1.

108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Khổng Đức Vũ là một chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu văn hóa Thủy hử Lương Sơn trong nhiều năm. Ông cũng cho rằng, Tống Giang thực sự đã từng tổ chức khởi nghĩa, với ngòi nổ là nhà cầm quyền triều Tống đã lập ra chế độ sưu cao thuế nặng đối với ruộng đất của nông dân nhằm giải quyết khó khăn tài chính cho triều đình nhà Tống.

Chính quyền đã tuyên bố thu toàn bộ vùng nước 800 dặm Lương Sơn Bạc làm "của công", đồng thời đưa ra quy định: hễ người dân vào hồ đánh bắt cá, lấy ngó sen, cắt cây hương bồ (cỏ nến) thì đều phải nộp thuế nặng dựa trên kích cỡ của tàu thuyền.

Những người nông dân và ngư dân nghèo khổ ở vùng Lương Sơn Bạc không nộp nổi khoản thuế này, sự bất mãn tích tụ lâu dài cuối cùng đã bùng phát thành ngọn lửa.

Đến năm đầu tiên của Tống Tuyên Hòa (năm 1119 sau Công nguyên), nhóm người nông dân này đã chính thức tiến hành khởi nghĩa, Tống Giang chính là một thủ lĩnh nông dân trong số đó. Kết quả nghiên cứu của các nhà sử học có thể xác nhận, Tống Giang là người thôn Tống Gia, xã Thủy Bảo, huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Sào huyệt Lương Sơn Bạc

Thủy hử: Sự thực về Lương Sơn Bạc - Ảnh 2.

Lương Sơn Bạc là nơi dễ thủ khó công.

Lương Sơn Bạc nằm ở phía Nam huyện Thọ Trương, Vận Châu, tỉnh Sơn Đông. Trước vốn là một hồ nhỏ, sau do sông Hoàng Hà nhiều lần bị vỡ đê khiến nơi này trở thành một biển hồ rộng đến mấy trăm dặm.

Lương Sơn Bạc có đường thủy tiện lợi, cá tôm vô số, lau lách um tùm, bên trong lại có nhiều “ốc đảo” nên trở thành nơi cư ngụ lý tưởng của dân đánh cá, cắt cỏ và cả tội phạm, trộm cướp. Cạnh hồ lại có núi Lương Sơn, tuy ngọn chủ phong chỉ cao 197 m nhưng hình thế hiểm trở. Vì có thế địa lợi “khả thủ khả công” nên đây là căn cứ địa của nhiều cuộc nổi dậy phản kháng triều Tống cả trước và sau khởi nghĩa của Tống Giang.

Tống sử - Bồ Tông Mạnh truyện chép rằng “Vận Châu có Lương Sơn Bạc, trộm cướp nhiều”. Bồ Tông Mạnh trấn áp tàn khốc những cuộc nổi dậy nơi đây, giết rất nhiều người. Về sau này khi Tống Giang quy hàng triều đình, Lương Sơn Bạc vẫn là nơi nông dân tụ nghĩa.

Sử chép, năm 1124, Sái Cư Hậu làm tri châu Vận Châu đã dụ giết hơn 500 quân khởi nghĩa. Lại có ngư dân Trương Vinh nổi dậy, lập đạo thủy quân mấy trăm chiến thuyền. Đến khi quân Kim lật đổ nhà Tống thì Lương Sơn Bạc cũng là cứ điểm phản kích. Vì thế, nói “anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc” không chỉ gói gọn trong nhóm Tống Giang hoặc giả nói “108 anh hùng” mà bao quát cả những người từng nổi dậy ở Lương Sơn.

“36 thủ lĩnh, vài vạn quân vô địch”

Trong chính sử triều Tống chỉ chép rải rác về cuộc khởi nghĩa này và gọi là “nhóm 36 người của bọn Tống Giang”, ngoài ra không có chi tiết cụ thể về diễn biến khởi nghĩa. Ngoài cái tên Tống Giang ra, không có chép tên tuổi hay nhân thân của “36 thiên cương, 72 địa sát” nào cả.

Sau đến đời Nam Tống mới có sách Tuyên Hòa di sự kể ra tên tuổi của 36 người cùng những chuyện về Tống Giang, Tiều Cái, Võ Tòng… theo lối truyền kỳ, làm nền tảng cho Thi Nại Am sau này viết Thủy hử truyện.

Thủy hử: Sự thực về Lương Sơn Bạc - Ảnh 3.

Di tích Lương Sơn Bạc.

Theo chính sử, Hoàng Tống thập triều cương yếu chép: Vào tháng 12 năm Tuyên Hòa nguyên niên (1119), Tống Huy Tông hạ chiếu cho quan Đề điểm ở hai lộ Kinh Đông, Kinh Tây đem quân đi bắt “Kinh Đông tặc” Tống Giang, không lâu sau lại ra lệnh “chiêu dụ”. Điều này cho thấy quân khởi nghĩa của Tống Giang đã làm kinh động triều đình.

Đến năm sau, tri châu Hào Châu là Hầu Mông dâng thư nói “36 người của bọn Tống Giang hoành hành vùng Tề, Ngụy, quan quân mấy vạn không dám nghinh chiến. Chi bằng xá cho Giang, khiến hắn đi thảo phạt Phương Lạp để chuộc tội hoặc là đi bình loạn phía Đông Nam”. Vua đồng ý, cho Hầu Mông làm tri phủ Đông Bình để chiêu hàng Tống Giang nhưng Hầu Mông chưa đi thì bệnh chết. Quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công các châu Đan, Bộc, Tề, Thanh.

Tháng 12, triều đình sai tri châu Thanh Châu là Tăng Hiếu Uẩn kéo quân trấn áp nhưng quân khởi nghĩa tiếp tục đánh xuống phía Nam đến Cân Châu, kịch chiến với quân Tống do Tưởng Viên thống lĩnh. Đầu năm 1121, quân Tống Giang từ Kinh Đông vượt biển, tấn công Thuật Dương, chiến đấu với quân Tống của Vương Sư Tâm. Sử gọi quân Tống Giang lúc này là “giặc cướp Hoài Nam”.

Đến tháng 2, quân khởi nghĩa tấn công Hoài Dương, tiến về vùng Hải Châu, Sở Châu. Đến lúc này quân Tống Giang đã “chuyển đánh cướp cả 10 quận, quan quân không dám ngăn đường tiến, lên tiếng rằng sẽ đến Hải Châu”.

Tống sử - Trương Thúc Dạ truyện có chép đến 7 đoạn về danh tướng này, trong đó đoạn thứ 4 viết về việc đánh bại quân Tống Giang như thế nào. Theo đó, khi Trương Thúc Dạ nhận mệnh đến Hải Châu thì quân Tống Giang đang chuẩn bị công thành.

Tống Giang quyết định đánh thành theo hướng trên biển nên cho quân chiếm lấy hơn 10 chiếc thuyền lớn để chở quân lương. Nhưng kế của Tống Giang đã bị gián điệp của Thúc Dạ dò biết. Thúc Dạ lập tức chiêu mộ hơn 1.000 quân cảm tử mai phục ở gần thành, sau đó cho quân tiểu tốt đi thuyền nhỏ đến khiêu chiến còn tinh binh thì bố trí trận địa ven bờ biển.

Khi hai bên giao chiến, phục binh của Trương Thúc Dạ lao ra dùng hỏa công đốt thuyền quân Tống Giang. Hai bên giao chiến kịch liệt, cuối cùng đội thuyền của Tống Giang bị đốt cháy hết. Đường lui cũng đã tuyệt, phó tướng bị bắt, quân lính tan vỡ nên chấp nhận chịu hàng.

Chiêu an hay bị giết?

Hầu hết các sử tịch triều Tống như Hoàng Tống thập triều cương yếu, Tục Tư trị thông giám trường thiên, Tam triều bắc minh hội biên… đều chép việc Tống Giang chấp nhận chiêu an, sau đó đem quân đi trấn áp khởi nghĩa của Phương Lạp.

Nhưng tại vùng Hải Châu, nơi Tống Giang bại trận, người dân vẫn lưu truyền việc Tống Giang và các nghĩa sĩ đều bị Trương Thúc Dạ giết chết, chôn dưới núi Bạch Hổ. Núi này hiện ở phía Tây Nam cổ thành Hải Châu, cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô. Núi chỉ cao 62,8 m, được người dân gọi là “Hảo hán doanh” (mộ hảo hán) và lưu truyền bài thơ: “Bạch bích Hổ sơn âm, Phần điệp thảo mộc thanh. Vấn thị thùy gia mộ, Lương Sơn hảo hán doanh” (Núi Bạch Hổ vách trắng âm u; mộ phần chồng lên nhau, cây cỏ xanh tốt. Hỏi rằng đó là phần mộ của ai? Rằng là mồ chung của hảo hán Lương Sơn).

Năm 1939 khai quật được tấm mộ chí minh của Võ Công đại phu Chiết Khả Tồn thì lại chép rằng Khả Tồn chiến thắng Phương Lạp rồi mới đi trấn áp Tống Giang, coi đây là một võ công lừng lẫy của mình. Vì thế, một số ý kiến cho rằng Tống Giang chấp nhận quy hàng nhưng sau đó lại dấy binh phản Tống một lần nữa. Đến năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122) thì bị Chiết Khả Tồn trấn áp và giết chết.

Quốc Tiệp (Theo Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem