Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Sức mua quá thấp, siêu thị tại TP.HCM phải khuyến mãi, khóa giá, thậm chí bán hàng không lợi nhuận để kéo khách
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2023 ước đạt gần 264.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% và chiếm 62% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Siêu thị bán hàng giá sỉ, khóa giá
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn cho biết sức mua quý I/2023 có tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng chủ yếu tập trung vào tháng Tết, sau đó, sức mua bắt đầu chững lại. Ngoài ra, giỏ hàng của khách hiện tập trung vào nhóm hàng hàng thiết yếu, giá trị từng giỏ hàng giảm khoảng 10% so với trước.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp bán lẻ cho biết ngay tháng 4 sẽ triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, giảm giá, khuyến mãi, thậm chí khóa giá nhiều mặt hàng để kích thích sức mua.
Các siêu thị MM Mega Market vừa triển khai hai chương về giá được xem là lớn nhất trong năm tại tất cả các trung tâm MM trên toàn quốc, gồm giá sỉ thực phẩm tươi sống và “khóa giá” nhóm thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu.
Cụ thể, chương trình giá sỉ tập trung bình ổn giá cho hơn 40 mặt hàng tươi sống như các loại thịt heo, thịt gà, thịt bò, hải sản và đa dạng rau củ, trái cây... với mức giá ưu đãi tốt như chợ đầu mối, nhờ thu mua trực tiếp từ vùng trồng trọt và chăn nuôi.
“Sau 2 tuần, danh mục hàng hóa giá sỉ sẽ thay đổi liên tục để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn cho thực đơn gia đình. Khách sẽ dễ dàng tìm kiếm các mặt hàng trong chương trình giá sỉ được trưng bày theo khu vực riêng”, đại diện MM nói thêm.
Với chương trình “khóa giá”, hệ thống này kết hợp với các nhà cung cấp lớn trong nước thực hiện xuyên suốt trong quý II/2023, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Siêu thị khuyến mãi, bán hàng không lợi nhuận
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Đối ngoại Central Retail (doanh nghiệp quản lý chuỗi GO!, Tops Market và Big C) cho biết hiện nay người tiêu dùng chủ yếu vẫn tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm. Các nhóm hàng còn lại gần như thắt chặt và cắt giảm chi tiêu.
“Chúng tôi chủ động thực hiện nhiều biện pháp để kích cầu trong bối cảnh hiện nay. Ngay đầu tháng 4, chúng tôi có chương trình bán hàng đặc sản, sắp tới là tuần hàng trái cây giá tốt. Chúng tôi cũng sẽ có chương trình đồng hành giá luôn rẻ hơn, chạy cả năm, hy vọng với lượng hàng hoá dồi dào, giảm sâu sẽ thu hút người tiêu dùng”, bà Hiền nói.
Đại diện SATRA cho biết trong bối cảnh hiện nay, các siêu thị và cửa hàng thực phẩm thuộc đơn vị tích cực thực hiện chương trình bình ổn, kích cầu. Nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà sẽ giảm 20-25%, hàng còn lại giảm trên 40% và đặc biệt sẽ có chương trình bán hàng không lợi nhuận.
Theo Saigon Co.op, các mặt hàng trong danh sách bình ổn tại siêu thị hiện giảm 5-10% so với giá chung thị trường. Doanh nghiệp hướng đến kết nối tiêu thụ hàng hóa trực tiếp tại vùng trồng để giảm chi phí trung gian.
Các cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng tích cực giảm giá, khuyến mãi, trong đó có chương trình giảm 5.000 đồng/vỉ trứng các loại.
Trong bối cảnh sức mua giảm, giá nhiều mặt hàng rục rịch tăng, theo Sở Công Thương TP.HCM, chương trình bình ổn thị trường sẽ là giải pháp để góp phần cải thiện sức mua.
Ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TPHCM - cho biết, chương trình bình ổn thị trường năm 2023 có 61 doanh nghiệp đầu mối, 44 doanh nghiệp lương thực thực phẩm, 11 doanh nghiệp phục vụ học tập, 6 doanh nghiệp dược phẩm và bổ sung nhiều nhóm hàng (bột, thủy hải sản chế biến, dụng cụ học tập...).
Sản lượng hàng bình ổn năm 2023 tăng 3-5% so với năm 2022. Đáng chú ý là các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP.HCM, các thương hiệu lớn đều tham gia chương trình và từ đầu chương trình (từ ngày 1/4/2023), các sản phẩm đều không tăng giá.
Xuất hiện “thiên đường” dâu tây, sâm tươi, nước gạo, mì Hàn Quốc giảm giá tới 40% tại TP.HCM
17/03/2023 14:11Xe tay ga không giảm giá dù bán chậm
17/03/2023 15:10