Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Tại sao các nhà đầu tư quốc tế lại cuống cuồng chạy theo vàng?
Trong khi tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đều mong muốn đạt được thỏa thuận để nâng trần nợ 31.000 tỷ USD của Mỹ, tránh viễn cảnh vỡ nợ, thì quá trình này vẫn còn vài điểm vướng mắc quan trọng.
Vì vậy, các nhà phân tích Phố Wall đang âm thầm cân nhắc các lựa chọn phòng hộ khi đối mặt với rủi ro mới trực chờ này.
Một số nhà đầu tư, chẳng hạn như ở JPMorgan, lập luận rằng “Đa dạng hóa danh mục đầu tư là cách phòng thủ tốt nhất” và kêu gọi các nhà đầu tư xem xét các loại tiền tệ và kim loại quý như đồng yen Nhật, đồng franc Thụy Sĩ, vàng và các cổ phiếu quốc tế chất lượng cao.
Tuy nhiên, một số khác lại có ưu tiên rõ ràng hơn: Ngân hàng RBC Capital Markets tuần trước gợi ý rằng vàng là một trong số ít ứng cử viên có khả năng chịu gánh nặng đến từ thị trường biến động do lo lắng vỡ nợ.
Và một cuộc khảo sát khác từ Bloomberg trong tuần này đã nhấn mạnh tiềm năng của “ứng cử viên” kể trên. Vàng là lựa chọn an toàn hàng đầu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và bán lẻ, có biên độ dài hạn, với tỉ lệ tương ứng là 52% và 46%.
Tiếp theo là Trái phiếu Kho bạc, được lựa chọn bởi 14% và 15% các nhà đầu tư chuyên nghiệp và bán lẻ (nghe có vẻ khác thường, nhưng thường sau vỡ nợ sẽ là một cuộc suy thoái kinh tế tại Mỹ). Bitcoin tụt lại phía sau ở vị trí thứ 3, tiếp theo là đồng USD, đồng yen và đồng franc Thụy Sĩ.
Mọi người hy vọng rằng viễn cảnh trước mắt chỉ là lý thuyết. Nhưng ngay cả khi chính phủ ngăn chặn được một cuộc vỡ nợ, thì những câu trả lời được đưa ra cũng đáng được để tâm. Thứ nhất, nó cho thấy ở một mức độ nhất định, các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro đã thất bại trong việc thuyết phục các nhà đầu tư rằng đồng tiền của khu vực này là sự thay thế tiềm năng cho đồng USD.
Thứ 2, vàng được ưa chuộng không phải là tin vui với những người yêu thích tiền điện tử. Xét cho cùng, bitcoin được tạo ra như một giải pháp thay thế cho trật tự tài chính được thiết lập bằng đồng USD. Nếu hầu hết các nhà đầu tư lại xa lánh nó khi hệ thống chính thống bị đe dọa khủng hoảng, thì điều đó không tốt cho tương lai của bitcoin.
Nhưng điểm thứ 3, và cũng là điểm thú vị nhất, xoay quanh vàng. Một vài thập kỷ trước, việc đầu tư vào tài sản này có vẻ lạc hậu một cách kỳ lạ, vì không hề mang lại lợi nhuận.
Nhưng trong tháng này, giá vàng đã được giao dịch gần với mức cao nhất mọi thời đại (chưa điều chỉnh theo lạm phát) là 2.069,4 USD/troy ounce (1 troy ounce = 31,103476 gram), sau khi tăng 20% kể từ tháng 11 và tăng gấp đôi kể từ năm 2016.
Quan trọng hơn, đã có một số thay đổi tinh tế nhưng đáng kể trong mô hình giao dịch của nó. Theo truyền thống, giá vàng có mối tương quan nghịch biến với lợi suất trái phiếu kho bạc. Lý do là cả 2 đều có thể hoạt động như một hàng rào an toàn chống lạm phát, nhưng vì trái phiếu mang lại lợi nhuận nên chúng thường trở nên hấp dẫn hơn khi lợi suất thực tế tăng.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, mối quan hệ đó đã đổ vỡ: lợi suất thực tế tăng nhưng giá vàng cũng tăng. Tại sao? Các nhà phân tích tại Bridgewater, quỹ phòng hộ của Mỹ, cho biết một lý do lớn là nhiều ngân hàng trung ương gần đây đã “thu gom” vàng vì họ muốn đa dạng hóa nguồn tích sản chứ không chỉ tập trung vào USD, đặc biệt là sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc chiến tại Ukraine.
Thật vậy, dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới được công bố trong tháng này cho thấy lượng mua của ngân hàng trung ương đạt mức cao kỷ lục trong quý đầu tiên của năm nay, sau mức cao kỷ lục hằng năm vào năm 2022.
Và bà Louise Street của Hội đồng Vàng dự đoán rằng: “Ngân hàng Trung ương có thể sẽ vẫn tăng mua vàng và đây sẽ là nhu cầu nền tảng trong suốt năm 2023”.
Tuy nhiên, Bridgewater cho rằng một yếu tố khác thúc đẩy đà tăng là 15 năm nới lỏng định lượng (QE) và lạm phát cao gần đây đã khiến các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư bán lẻ tìm đến vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị.
Bridgwater lưu ý thêm rằng mối tương quan giữa vàng và USD gần đây cũng đã sụp đổ: “Các nhà đầu tư từng xem vàng là lựa chọn thay thế cho các khoản tiết kiệm có mệnh giá là USD, nhưng giờ đây họ xem vàng là một phương án thay thế cho cả USD.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư - có thể là ngân hàng trung ương hoặc người tiêu dùng đang bối rối - nắm lấy vàng như một phần của chiến lược phòng ngừa rủi ro trước tình trạng vỡ nợ của Mỹ.
Có thể giá vàng sẽ giảm nhẹ sau thỏa thuận trần nợ. Lần gần đây nhất khi nước Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng trần nợ tương tự là vào năm 2011, giá vàng cũng tăng - nhưng sau đó lại giảm xuống sau khi một thỏa thuận được thực hiện.
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, lần này lịch sử sẽ không lặp lại một cách gọn gàng như vậy, do những lo ngại về lạm phát, vũ khí hóa đồng bạc xanh và lo ngại Mỹ không đạt được thỏa thuận trần nợ trong lần này.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
Điều gì đang xảy ra với vàng
12/05/2023 09:54Người dân ùn ùn mua vàng hậu Covid-19, SJC bỏ túi thêm gần 10.000 tỷ đồng chỉ trong một năm
10/05/2023 08:34Vàng dẫn đầu "cuộc nổi dậy" chống lại đồng USD
27/04/2023 07:24