Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Tạm thời thì cứ… thu phí
Với số lượng xe cá nhân lớn như hiện tại, phương tiện giao thông công cộng èo uột không đáp ứng được nhu cầu của người dân và dự án metro triển khai rùa bò thì giải pháp "tạm thời" còn lại để giảm kẹt xe là hạn chế và thu phí.
Đây có vẻ như là bài quen thuộc của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nói riêng và những người quản lý giao thông trên cả nước nói chung. Trước đó Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đòi thu phí vỉa hè lề đường, thu cả phí giải chạy bộ. Hôm qua 21/5, có đại biểu quốc hội được "bật đèn xanh" đề xuất "luật hóa" thu phí ô-tô vào nội đô TP.HCM và Hà Nội. Khi đã "luật hóa" thì không còn là "tạm thời" nữa.
TP.HCM dự kiến "tạm thời" thu phí kẹt xe vào giờ cao điểm, có thể 2 tiếng đồng hồ vào buổi sáng và 2 tiếng đồng hồ vào buổi chiều vào giờ người dân đi làm và đi học nhiều. Nhưng có thể số giờ thu phí kẹt xe sau đó sẽ tăng dần, tăng dần lên, vì giờ khác cũng… kẹt xe.
TP.HCM dự kiến "tạm thời" thu phí kẹt xe ở quận 1 và quận 3, nhưng số quận "được" thu phí kẹt xe có thể sẽ tăng dần, tăng dần theo thời gian, vì các quận khác cũng… kẹt xe. Nói chung, bỏ ra hơn 2.000 tỉ đồng để đầu tư vào dự án thu phí thì phải "mở rộng" ra mới đạt hiệu quả kinh tế!
Mà không muốn tạm thời cũng chẳng được. Cái điệp khúc tạm thời này ngân nga mãi rồi, tạm thời cho phép, tạm thời triển khai, tạm thời mở rộng… để bây giờ tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TPHCM chỉ đạt 13%, trong khi trên thế giới tỉ lệ này từ 25% đến 30%. Thêm vào đó là một số điểm thắt nút cổ chai kinh hoàng trong thành phố.
Giải pháp triệt để cho giao thông chỉ có thể là xe điện ngầm, đường sắt đô thị trên cao. Quyết định triển khai hệ thống đường sắt nhẹ hoặc tàu điện ngầm trong thành phố bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau ngoài quy mô dân số.
Trong khi quy mô dân số là một vấn đề cần cân nhắc, các yếu tố khác như mật độ dân số, tắc nghẽn giao thông, bố cục đô thị, nhu cầu giao thông công cộng, mô hình sử dụng đất và dự báo tăng trưởng trong tương lai cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nhu cầu về hệ thống đường sắt nhẹ hoặc tàu điện ngầm. Đếm tất cả các tiêu chí thì TP.HCM cần phải có hệ thống đó từ vài chục năm nay rồi.
Nói riêng về quy mô dân số, nếu bạn nhìn vào hầu hết các nước lớn, dù chưa phải giàu như Ấn Độ, Brazil, hầu hết các thành phố với hơn 3 triệu dân đều có tàu điện ngầm. Trung Quốc mới đây đã rút quy định từ 3 triệu dân xuống 1,5 triệu dân. Một số nước như Iran, Hàn Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản cho xây dựng tàu điện ngầm cho mọi thành phố có dân số trên 1 triệu người. Ở châu Âu, 70% thành phố trên 1 triệu người có tàu điện ngầm.
Thế còn TP.HCM? Có 9 triệu dân chính thức, nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống và làm việc thường xuyên. Kế hoạch của TP.HCM là có 11 tuyến tàu điện ngầm và đường sắt nhẹ, căn cứ vào tiến độ thi công của tuyến đường số 1 Bến Thành – Suối Tiên phóng chiếu lên thì không biết mấy chục năm nữa mới có đủ số tuyến? Bài ca thu phí "tạm thời" sẽ trở thành "dài hạn" và "mở rộng".
Người dân làm kẹt xe thì người dân phải chịu nộp phí kẹt xe, thành phố làm chậm dự án giao thông công cộng thì thành phố… rút kinh nghiệm và vẫn "tạm thời" thu phí.