Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Tập đoàn sở hữu các nhà máy Coca-Cola sẽ mở rộng kinh doanh mảng hàng không, y tế tại Việt Nam
Đây là khẳng định của ông Guy Bradley, Chủ tịch John Swire&Sons, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội ngày 24/10, theo báo Chính phủ.
John Swire&Sons là tập đoàn toàn cầu kinh doanh đa lĩnh vực, với lịch sử hoạt động hơn 200 năm. Hiện nay, hoạt động kinh doanh cốt lõi bao gồm hàng không, bất động sản, thương mại, công nghiệp, logistics, nước giải khát. Y tế là lĩnh vực mới đang được tập đoàn nhắm tới, vì có tiềm năng tăng trưởng mạnh.
John Swire&Sons kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1988, thông qua hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp dầu khí, kinh doanh và pha chế trà, hàng không (thông qua hãng Cathay Pacific là công ty con của John Swire&Sons), bất động sản…
Tháng 1/2023, Swire Coca-Cola Limited (công ty con của John Swire&Sons) hoàn tất quá trình mua lại Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam, là công ty đóng chai của "ông lớn" Coca-Cola tại Việt Nam. Nhờ đó, Swire Coca-Cola sở hữu và vận hành 3 cơ sở sản xuất nước giải khát, 18 dây chuyền sản xuất, 6 trung tâm phân phối ở Việt Nam.
Trước đó, Swire Coca-Cola đã mua lại nhà máy của Coca-Cola tại Campuchia vào tháng 11/2022. Tổng cộng, Swire Coca-Cola bỏ chi tới 1,015 tỷ USD để mua lại các cơ sở ở Việt Nam và Campuchia.
Mối quan hệ của Swire Coca-Cola và Tập đoàn Coca-Cola bắt đầu từ năm 1965, với thương vụ Swire mua lại phần lớn quyền sở hữu cổ phần công ty đóng chai Coca-Cola tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Trong buổi làm việc với ông Guy Bradley, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị John Swire&Sons tiếp tục nghiên cứu, phát triển, mở rộng hơn nữa hoạt động trong lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không, thương mại và công nghiệp, logistics, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, mạng lưới sản xuất, phân phối và bán lẻ…
Y tế tư nhân Việt Nam hiện nay đang thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài. Trong số đó, tập đoàn đầu tư khổng lồ KKR của Mỹ đang đàm phán với Heliconia Capital – một quỹ đầu tư Singapore thuộc sở hữu của Temasek Holdings – để mua lại 100% chuỗi bệnh viện mắt tư nhân lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (SMG).
Cả 2 bên đều chưa hé lộ thông tin, vì thương vụ chưa được chốt. Nếu thương vụ thành công, KKR sẽ thay thế Heliconia trong vai trò chủ sở hữu của SMG.
MSG đặt trụ sở chính tại TP.HCM với mạng lưới gồm 14 bệnh viện, trong đó có 9 bệnh viện mắt, 5 bệnh viện đa khoa tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khác. Ngoài ra còn có có Trung tâm Mắt Eagle Eye tại TP.HCM, với sự hợp tác của Eagle Eye Centre của Singapore, là bệnh viện mắt hàng đầu thế giới.
Tháng 7 vừa qua, tập đoàn y khoa Thomson Medical Group (Singapore) thông báo đã đồng ý mua lại Bệnh viện quốc tế FV ở TP.HCM, với giá 381,4 triệu USD - là thương vụ mua bán doanh nghiệp lớn nhất đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Tiếp đó, tập đoàn y tế Raffles Medical Group cũng từ Singapore thông báo đã đầu tư vào Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH tại TP.HCM thông qua việc mua lại một lượng cổ phần lớn. Raffles không công bố tỷ lệ sở hữu nhưng cho biết AIH được định giá 45,6 triệu USD (tương đương khoảng hơn 1.200 tỷ đồng).